Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân

Dục Tú| 31/03/2014 05:45

(HNM) - Ngày mai 1-4, quyết định của ngành VH,TT&DL về việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực. Cơ quan được giao trách nhiệm cấp thẻ là Cục Nghệ thuật biểu diễn.



Đề án cấp thẻ hành nghề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bắt đầu đi vào cuộc sống, theo nhà quản lý là việc cấp thẻ sẽ được thực hiện một cách thông thoáng, không gây phiền nhiễu cho đội ngũ biểu diễn và không mang màu sắc xin - cho; những cán bộ liên quan đến công tác thụ lý hồ sơ cấp thẻ hành nghề nếu có hành vi sai trái thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Quyết định cấp thẻ hành nghề liên quan trực tiếp, trước nhất, đến hai đối tượng là nghệ sĩ biểu diễn và cơ quan cấp thẻ hành nghề. Tấm thẻ, với nghệ sĩ là sự bảo đảm về năng lực chuyên môn và hành vi phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Tấm thẻ, với nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn là công cụ để giữ cho hoạt động này nằm trong khuôn khổ, không gây hại cho xã hội, cần phải được thực hiện xét cấp một cách khách quan, công bằng, tạo điều kiện cho nghệ sĩ chân chính phát huy khả năng sáng tạo. Bởi vậy, việc cấp - nhận thẻ không đơn giản mang màu sắc trao và nhận, mà nó đòi hỏi trách nhiệm xã hội và trách nhiệm công dân từ cả hai phía.

Cần lưu ý điều đó là bởi việc cấp thẻ hành nghề bắt đầu được thực hiện trong bối cảnh cơ quan quản lý ngành nghệ thuật biểu diễn vừa bị kiện ra tòa, đã bị tòa án ra phán quyết là đã ra quyết định thu hồi giấy phép tổ chức cuộc thi "Nữ hoàng biển Việt Nam năm 2013" dù không có thẩm quyền, tức là Cục Nghệ thuật biểu diễn đã sai. Đó là một "đòn" khá nặng giáng vào uy tín của Cục, ít nhất là cho tới lúc này, trước khi Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể kháng cáo đối với phán quyết nói trên và mong đợi một quyết định khác với quyết định trước đó của tòa. Lưu ý trách nhiệm của các bên còn là bởi trong thời gian qua, một bộ phận trong giới nghệ sĩ biểu diễn đã có hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục, trở thành tấm gương xấu cho giới trẻ.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là bảo đảm việc cấp thẻ được thực hiện đúng như cam kết - thông thoáng tối đa, không gây cản trở cho quá trình sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sĩ. Muốn vậy, cần phải bảo đảm mọi văn bản pháp quy liên quan có được sự kín kẽ cần thiết, đủ khả năng điều chỉnh hành vi thực tế cũng như những vấn đề phát sinh, tránh sự tồn tại kẽ hở pháp lý - cơ hội cho những người thích "lách". Những vấn đề còn gây tranh luận, chưa rõ ràng, cụ thể như việc cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ "đa năng", cùng lúc tham gia ở nhiều loại hình biểu diễn khác nhau sẽ được thực hiện như thế nào, nếu họ có hành vi vi phạm ở một lĩnh vực thì tước quyền biểu diễn ra sao? Nghề làm mẫu ở ta đã rõ, nhưng công tác đào tạo thì đang trong tình trạng thiếu chuẩn, mạnh ai nấy làm, nhiều người mẫu chỉ học "trường đời" là chính, với họ thì nên thẩm định cấp thẻ theo chuẩn nào, ai có thể được giao quyền thẩm định hồ sơ để bảo đảm sự chính xác?...

Muốn cho tấm thẻ hành nghề phát huy tác dụng trong đời sống, cần có giải pháp bổ trợ, mà vấn đề quan trọng hàng đầu là siết chặt công tác hậu kiểm, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc xử lý vi phạm dựa trên các quy định hiện hành. Thực tế cho thấy, qua những quyết định xử lý vi phạm liên quan đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Angela Phương Trinh, "bà Tưng" Lê Thị Huyền Anh và gần đây nhất là vụ "khai man" để ra nước ngoài dự thi sắc đẹp, kỷ cương trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chỉ có thể được giữ gìn nếu cơ quan quản lý khách quan, công bằng, kiên quyết "ra roi" với những trường hợp vi phạm quy định chung, bất kể họ là ai.

Những "cần" và "muốn" nói trên chỉ có thể thành hiện thực nếu tất cả các bên liên quan tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Trách nhiệm với mình, với quyền hạn được giao trước cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.