Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm với hàng Việt

Thế Phương| 17/11/2010 06:50

(HNM)-


Vậy trách nhiệm từ đâu?

Trước hết, bắt đầu từ Nhà nước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hàng sản xuất trong nước luôn có ưu thế so với hàng nhập khẩu do giá công lao động, phí tổn vận chuyển, thuê mướn mặt bằng thấp hơn... Nếu có các yếu tố nào làm giá hàng hóa tăng là do những nguyên nhân phát sinh từ bộ máy hành chính không hiệu quả. Đây chính là trách nhiệm của Nhà nước trong điều hành vĩ mô nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất hàng với giá thành thấp và chất lượng cao.

Thêm nữa, với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất, Nhà nước cần yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm và dịch vụ được cung ứng từ doanh nghiệp trong nước và coi đó là trách nhiệm bắt buộc. Xây dựng hàng rào kỹ thuật chuẩn để ngăn chặn hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường, chống hàng lậu, hàng giả để bảo vệ nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng… cũng là việc làm cần thiết. Đây chính là những yếu tố cốt lõi để tạo ra nhiều thương hiệu Việt.

Một vấn đề nữa, không mới nhưng luôn "nóng" là chất lượng sản phẩm. Từ lâu các nhà sản xuất Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến người tiêu dùng. Chưa kể không ít doanh nghiệp đưa hàng ế, hàng kém chất lượng núp bóng khuyến mại về nông thôn… Do vậy, thực tế đã đặt ra nhiều câu hỏi rất xác đáng như: Dùng hàng Việt là yêu nước, nhưng sao không kêu gọi các nhà sản xuất lấy đạo đức kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước? Từ đó Nhà nước có cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng bằng những sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý... Rõ ràng doanh nghiệp không thể yêu cầu Nhà nước làm thay mà hãy tự hỏi đã làm gì để tiếp cận và chăm sóc thị trường nội địa đầy tiềm năng? Chưa kể đến sự liên kết giữa các nhà sản xuất và phân phối khi hệ thống bán lẻ của Việt Nam còn manh mún, chưa có sức cạnh tranh.

Về phía người tiêu dùng thì sao? Theo kết quả điều tra tiến hành tại 16 nước châu Á của Tập đoàn Grey Group (Mỹ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài. Công bằng mà nói, một bộ phận khá lớn người Việt có tâm lý sính hàng ngoại. Chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện dẫn đến nhu cầu cao hơn về tiêu dùng cũng là lẽ thường. Nhưng số người có thu nhập đủ sức thỏa mãn nhu cầu dùng "hàng hiệu" không nhiều, không bao nhiêu trước một thị trường tiềm năng hơn 85 triệu người. Đại đa số người dân nước Việt, đặc biệt là cư dân nông thôn mong muốn chất lượng hàng nội có thể chấp nhận được so với túi tiền không dư dật. Và đây mới thật sự là vấn đề.

Thực tế, việc hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thời gian qua cho thấy không thể kêu gọi lòng yêu nước chung chung mà Nhà nước và doanh nghiệp phải có những hành động cụ thể để người dân thực sự đặt lòng tin vào hàng Việt và thấy rằng mình có trách nhiệm đối với sự phát triển đất nước. Và hơn nữa là việc thay đổi tư duy sản xuất, thực sự hướng tới người tiêu dùng, đồng thời có những phương thức giáo dục từ trong trường học đến xã hội về tinh thần cộng đồng cùng vượt khó khăn dùng hàng nội địa, chấn hưng sản xuất, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm với hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.