(HNM) - Nhiều việc làm ý nghĩa đã được thực hiện trong Tháng hành động Vì trẻ em (từ ngày 1-6 đến 30-6-2022), nhằm chung sức, đồng lòng giúp các em nhỏ có một mùa hè vui tươi, an toàn, lành mạnh và bổ ích. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng trẻ nhỏ bị đuối nước hoặc là nạn nhân của xâm hại, bạo lực... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đã nhấn mạnh đến trách nhiệm và trái tim yêu thương trẻ em của các cấp, các ngành, gia đình và xã hội.
Lắng nghe bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động
- Những kết quả tích cực bước đầu sau Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 được tổ chức vào tối 31-5, tại Hà Nội, là gì, thưa ông?
- Sau lễ phát động, các tỉnh, thành phố đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng, truyền thông lan tỏa rộng rãi những thông điệp trong Tháng hành động Vì trẻ em và 3 tháng hè năm 2022, bao gồm: Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình; hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”; chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
Việc tổ chức các hoạt động vì trẻ em được triển khai theo từng cấp, ngành, tới tận cụm dân cư, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, nhất là trẻ em trong gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, tạo điều kiện để mọi trẻ em có một mùa hè thiết thực, bổ ích, lành mạnh.
- Cùng với việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn thì công tác giáo dục, trang bị cho trẻ em các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ mất an toàn cũng rất quan trọng. Ông có chia sẻ quan điểm này?
- Điều quan trọng là phải tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em trong dịp hè gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Truyền thông khuyến khích, hướng dẫn mọi người dân lên tiếng tố cáo mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích trẻ em. Chủ động kiểm tra, gắn các biển báo nguy hiểm tại các hồ, ao, sông, suối… Các đơn vị đều chú ý tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp. Chính quyền các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng tới giáo dục cho trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bóc lột lao động, bị xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích…
- Với thông điệp “Chung tay chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, tất cả đều nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn?
- Mỗi cá nhân trong cộng đồng cần nêu cao ý thức trách nhiệm với trẻ em và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em. Đó là trách nhiệm ở cả tầm quốc gia cũng như của mỗi cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em, để các em được sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, trở thành những công dân hữu ích.
Chú trọng hoạt động phòng ngừa
- Luật Trẻ em đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, tổ chức trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị mất an toàn, lạm dụng, xâm hại vẫn tồn tại. Theo ông, đâu là những nguyên nhân căn bản của vấn đề này?
- Trách nhiệm của từng cơ quan chức năng đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể trong các văn bản pháp luật, nhất là Luật Trẻ em. Nếu từng đơn vị, tổ chức, mỗi cấp chính quyền, cá nhân đều làm hết chức trách của mình, thì tất yếu trẻ em sẽ được an toàn, hạnh phúc. Cần tăng cường công tác phòng ngừa, đừng để xảy chuyện rồi mới nuối tiếc kiểu “giá như - thế thì”. Đơn cử như chuyện em bé ở quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) bị mẹ kế bạo hành tử vong hay em nhỏ ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị găm đinh vào đầu, giá như thông tin sớm đến với các cơ quan chức năng, chắc chắn sự việc đã không đau xót đến như vậy.
Tôi mong mỗi cộng đồng, cụm dân cư hãy cùng hành động, kịp thời lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Hãy gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em mà bạn chứng kiến, thông tin của các bạn sẽ được bảo mật và đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc trong thời gian sớm nhất.
- Ông có thể cho biết những hành động mà Cục Trẻ em đã và đang chú trọng thực hiện trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em?
- Chúng tôi đã và đang triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ em được phát triển toàn diện; kịp thời phối hợp, chỉ đạo, triển khai việc ứng phó, giảm thiểu tác động đại dịch Covid-19 đến trẻ em. Tích cực hướng dẫn, phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết những vấn đề, vụ việc về bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, cũng như duy trì công tác xã hội và dịch vụ bảo vệ trẻ em, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Tăng cường các hoạt động phòng ngừa trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và trực tiếp đến gia đình, cộng đồng dân cư về các nội dung giáo dục kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, kiến thức pháp luật, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Hiện tại, việc triển khai các mô hình hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em ngày càng được chú trọng.
Chúng tôi cũng phát triển mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là mô hình phòng, chống xâm hại trẻ em, hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Ngoài ra, còn phải kể đến các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là nhiệm vụ nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài 111 và các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em để xã hội, người dân có niềm tin vào các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.