(HNM) - Ngay sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ban hành, Báo Hànộimới đã có loạt bài
Với gần 30 bài viết đăng tải liên tục trong 4 tháng qua, Báo Hànộimới đã góp phần thiết thực vào công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đây cũng là diễn đàn để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân thể hiện trách nhiệm, tình cảm để xây dựng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới, phân tích những cơ hội và thách thức, chủ động chỉ rõ những yếu kém, bất cập để có biện pháp khắc phục nhằm thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.
Hà Nội phát huy các tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến để xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước. Ảnh: Huy Hùng
Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội
Trước hết, Nghị quyết 11-NQ/TƯ khẳng định, sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém xuất phát từ các nguyên nhân do việc thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị còn chậm; cơ chế, chính sách có liên quan đến Hà Nội thiếu đồng bộ, nhiều mặt chưa phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, nhiệm vụ của Thủ đô… Về chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết của TP trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu năng động, quyết liệt; sự phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trung ương với TP còn vướng mắc.
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, Nghị quyết 11-NQ/TƯ nêu rõ, trong 10 năm tới, chúng ta phải huy động tối đa tiềm lực tổng hợp cả về vật chất, tinh thần của Thủ đô cùng cả nước xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết là không chỉ quyết tâm khắc phục cho được hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, cản trở mà còn vận dụng, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến, sức bật mới trong mối quan hệ gắn kết hữu cơ "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Như vậy Nghị quyết 11 chính là đòn bẩy, là định hướng quan trọng để Hà Nội phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng và phát triển. Nội dung Nghị quyết 11 là về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, nhưng trong đó cũng thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng và trách nhiệm của cả nước đối với Thủ đô trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Nghị quyết cũng đặt ra cho Hà Nội trách nhiệm hết sức nặng nề với tư cách chủ thể thực hiện.
Thời cơ và thách thức
Trong loạt bài "Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Vì Hà Nội văn minh, hiện đại", một số trí thức, nhà nghiên cứu, lãnh đạo nhiều ngành, đại diện cho chính quyền, cấp ủy một số quận, huyện… đã tập trung phân tích chặng đường phía trước của Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ chắc chắn có nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng có không ít lợi thế và thời cơ. Theo PGS.TS Phạm Xuân Hằng, trong thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, con người là nhân tố có ý nghĩa quyết định. "Yếu tố con người ở đây là đảng viên, cán bộ và nhân dân Thủ đô, trong đó đảng viên, cán bộ giữ vai trò tiên phong, trong số này cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thành phố đến xã, phường, thị trấn đóng vai trò gương mẫu, tiên phong nhất... Lợi thế của Hà Nội là Đảng bộ Thủ đô có đảng số hơn một phần mười đảng số toàn quốc. Hà Nội lại là nơi làm việc của hệ thống chính trị cấp trung ương nên Đảng bộ Hà Nội có lợi thế để chủ động và sáng tạo vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của mình". Cùng về vấn đề này, tác giả Đức Huy cho rằng: "Trong tình hình mới, nhằm mục tiêu phát triển chung, Hà Nội không thể không thúc đẩy việc thực hiện xây dựng con người ở một tầm mức khác, thiết thực và hiệu quả hơn. Lại cần tận dụng lợi thế từ truyền thống để vượt qua thử thách thời cuộc". Muốn vậy cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, được thực hiện thường xuyên, tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội chứ không phải việc mở các phong trào, kỳ cuộc vận động nhưng không duy trì tính liên tục…
Nếu như trong bài viết của mình, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu ra một số biện pháp của lực lượng Công an Thủ đô nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố thì trong bài trả lời phỏng vấn, Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng phải gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế của Hà Nội với bảo đảm quốc phòng. Bài viết của tác giả Đà Đông lại tập trung phản ánh những trăn trở của đội ngũ cán bộ cơ sở các quận, huyện trên địa bàn thành phố trong đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, những khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án mới. Theo đó, trong mỗi vấn đề cần phải có tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà mỗi quận, huyện, thị xã là một "mắt xích" quan trọng… Một số bài viết khác đi sâu phản ánh những khó khăn, bất cập tồn tại trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung…
Những góc nhìn mới
Đánh giá về tầm quan trọng của Nghị quyết 11-NQ/TƯ đối với Hà Nội, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi khẳng định, đó chính là động lực mới của cuộc kiến tạo lớn. Cụ thể là: "Trong 10 năm tới, Thủ đô cần có sự bứt phá, vì thế, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chính là trao động lực lớn để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa bằng cảm hứng mới, sinh lực mới". Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TƯ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, trước tiên phải tìm hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng về phương hướng phát triển mà Nghị quyết đã xác định, đặc biệt là cần phải đặt phương hướng ấy trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP, các quy hoạch lớn để vừa thống nhất, hài hòa, vừa liên kết, bổ trợ cho nhau. Bên cạnh sự dốc sức, đồng lòng, quyết liệt triển khai các nội dung Nghị quyết của các cấp, các ngành thì vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân Thủ đô trong tham gia thực hiện và theo dõi, giám sát việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống là đặc biệt quan trọng.
Những suy nghĩ mới, cách nhìn mới về tầm vĩ mô còn được tác giả Thế Phương thể hiện khá sinh động trong việc phân tích, đánh giá sự phát triển của Hà Nội đặt trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể là việc xác định mô hình đô thị xanh, gắn liền với các yếu tố văn hóa và bảo tồn di sản vốn là đặc trưng của Hà Nội, mảnh đất có bề dày hơn nghìn năm tuổi. Để điều đó trở thành hiện thực, một khối lượng công việc khổng lồ sẽ phải tiến hành, đòi hỏi sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống và nỗ lực của từng cá nhân với những phần việc cụ thể. Rõ ràng là không đơn giản nhưng đây cũng chính là cơ hội "vàng" để thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội. Tác giả Khánh Khoa có cách nhìn về những biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề nhà ở đô thị, thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như tinh thần nội dung Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Hoặc việc phân tích, đưa ra các giải pháp của tác giả Quỳnh Dung nhằm gỡ khó cho Hà Nội trong phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn… Đây chính là tiền đề để lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng xem xét, cân nhắc tìm ra biện pháp, cách làm phù hợp, khả thi nhằm nhanh chóng phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống xã hội những đường lối đã được Nghị quyết đề ra.
Còn rất nhiều vấn đề được đề cập tới trong loạt bài: "Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Vì Hà Nội văn minh, hiện đại". Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, những người làm báo Đảng Thủ đô mong rằng, đó chính là đóng góp thiết thực để đưa Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, mọi công dân Hà Nội nói riêng và mỗi người Việt Nam nói chung đều có thể cống hiến, đóng góp công sức và trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, để mảnh đất Thăng Long xứng đáng là niềm tự hào, là "Trái tim của cả nước". Những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của Thủ đô với một động lực mới, trên một tầm cao mới phải được bắt đầu từ ngày hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.