(HNM) - Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu…
Nhiệm vụ mới đặt ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng quyết liệt; nền kinh tế nước nhà còn nhiều vấn đề nội tại… sẽ là những thách thức lớn đối với Chính phủ, các thành viên Chính phủ những người đã được nhân dân tín nhiệm trao trọng trách chỉ đạo, điều hành trong cơ quan hành chính cao nhất của đất nước.
Con thuyền kinh tế đất nước đã vượt qua những thời điểm cam go, để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Thị trường ngoại tệ đã bước đầu ổn định, tỷ giá được kiểm soát trong biên độ cho phép, dự trữ ngoại tệ được cải thiện, đầu tư cho các mục tiêu giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân được duy trì... Tuy nhiên, việc điều hành của Chính phủ và nhiều bộ, ngành vẫn còn nhiều hạn chế: Tổ chức thực hiện các khâu đột phá vẫn thiên về hướng tiệm tiến, chưa thực sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, vấn đề dự báo kinh tế vĩ mô, quản lý đất đai, khoáng sản, đối phó với thiên tai dịch bệnh, phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu... Hàng loạt vấn đề đã và đang đặt ra với Chính phủ, các thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ mới.
"…Chúng tôi nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước…". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ hứa với Quốc hội, hứa với đồng bào như vậy.
Mỗi lời hứa là một gánh nặng trách nhiệm. Người dân cả nước đặt gánh nặng trách nhiệm lên vai Chính phủ, các thành viên Chính phủ với niềm tin vững chắc và kỳ vọng lớn lao; đồng thời người dân cũng trân trọng lời hứa của người đứng đầu Chính phủ trước Quốc hội - cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ba khâu đột phá chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ xác định cho cả nhiệm kỳ, để thực hiện mục tiêu tổng quát ấy, mỗi vị tư lệnh của từng ngành cần tìm ra những khâu đột phá để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, huy động được nhiều nhất nguồn lực cho sự phát triển trên từng lĩnh vực.
Người dân cả nước tin tưởng, Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ phát huy những thành quả đã đạt được, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thực hiện đúng lời hứa trước nhân dân, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.