Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm và chia sẻ

Huy Thịnh| 02/12/2010 06:49

(HNM) - Thành phố Hà Nội đang chịu gánh nặng của sự gia tăng dân số và đô thị hóa. Chúng ta phải chịu tải sự bất cập về nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của người dân với khả năng đáp ứng về các dịch vụ: điện, nước, giao thông, vui chơi giải trí… Mặc dù lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện; các ngành, các huyện, quận chung tay tháo gỡ khó khăn nhưng không phải dễ dàng gặt hái thành quả một sớm, một chiều.


Người Việt có câu ngạn ngữ: "Nghĩa tử là nghĩa tận". Lo cho người chết cũng là nghĩa vụ, tình cảm, lương tâm của những người đang sống, lần cuối cùng lo cho người thân, người hàng xóm của mình. Xét cho cùng, lo cho người chết cũng là sự động viên, an ủi đối với những người đang sống, đang chịu nỗi đau mất mát người thân. Thấm thía điều tâm huyết đó, chúng ta không thể bó tay khi Nghĩa trang Thanh Tước, Vạn Phúc đã quá tải; Nghĩa trang Văn Điển đã đóng cửa… Bằng các biện pháp áp dụng khoa học, thành phố đã thành công trong việc vận động nhân dân hỏa táng người thân để bảo đảm vệ sinh và tiết kiệm đất an táng. Chúng ta cũng đã làm quy hoạch một số nghĩa trang khu vực tại các vùng đất đồi, xa khu dân cư, đất bạc màu hiệu quả kinh tế thấp ở Ba Vì, Sóc Sơn… Những công dân trên địa bàn Thủ đô hoan nghênh việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì) 162.840m2, trong đó có 83.000m2 dành để an táng, còn lại là cảnh quan cây xanh, hồ nước, bãi xe… Theo quy hoạch, Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng sẽ là nơi lý tưởng dành cho những người quá cố yên nghỉ ngàn thu; hẳn cũng là thanh thản tấm lòng của những bậc con cháu họ báo hiếu với ông bà, cha mẹ.

Trên địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Hoa Sen triển khai dự án xây dựng Nghĩa trang Thiên Đàng nằm trong khu vực rừng phòng hộ, đất đồi gò bạc màu, hiệu quả kinh tế thấp, xa khu dân cư để làm nơi an táng người đã khuất. Công ty Hoa Sen cam kết xây dựng công trình theo mô hình nghĩa trang sinh thái, công nghệ an táng bảo đảm thân thiện môi trường và thực hiện các quyền lợi cho người dân địa phương theo đúng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước. Đáng tiếc một số người dân đã cản trở việc thực hiện dự án và có hành động quá khích đáng phải lên án.

Vì những mục đích phúc lợi xã hội và công tác an sinh, chúng ta càng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm để chia sẻ với các mục tiêu cao cả của thành phố: bảo đảm phát triển xã hội bền vững, mọi người dân Thủ đô được bình đẳng, cộng đồng hưởng lợi; mọi người dân phải nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ công dân trong việc ủng hộ chủ trương, cộng tác chia sẻ trách nhiệm, dành đất đai cho các công trình xã hội. Các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương cần kiên quyết chỉ đạo thực hiện mục tiêu của thành phố; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ của mình với những người dân đã giao đất làm công trình.

Thực hiện các công trình phúc lợi xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Thủ đô. Để Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hôm nay và ngày mai sẽ còn phải triển khai hàng loạt các dự án phục vụ mục tiêu dân sinh. Ngoài việc xây dựng Nghĩa trang Thiên Đàng (huyện Sóc Sơn), còn có thể kể ra hàng loạt các công trình phúc lợi xã hội đã, đang và sẽ triển khai như các trung tâm bảo trợ, giáo dục dành cho những đối tượng "đặc biệt" trong xã hội ở các huyện Ba Vì, Ứng Hòa; xây dựng các trung tâm xử lý rác thải công nghệ tiên tiến ở thị xã Sơn Tây, huyện Chương Mỹ… Những công trình đó trước hết phục vụ lợi ích của người dân Thủ đô, là yêu cầu cấp thiết của quá trình phát triển, đòi hỏi cộng đồng trách nhiệm và sự chia sẻ gánh vác của từng người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.