Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm từ nhiều phía

Đan Nhiễm| 09/07/2020 06:02

(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 22 vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất. Cháy nhà kho, xưởng sản xuất đứng thứ hai trong các loại hình cơ sở xảy ra cháy và chiếm khoảng 60%-70% thiệt hại về tài sản trong tổng số các vụ cháy.

Điều đáng nói là tình trạng này đã kéo dài dù sau vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) vào ngày 12-4-2019, làm 8 người tử vong, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra 7.108 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp. Từ đây, yêu cầu 342 cơ sở dừng hoạt động, tạm đình chỉ 204 lượt cơ sở do vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy... Đợt tổng kiểm tra cũng phát hiện hơn 1.600 cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng. 

Điều này cho thấy, sự lơ là, chủ quan và bất chấp quy định pháp luật về phòng cháy của chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là khá phổ biến. Đồng thời cũng phản ánh thực tế công tác quản lý lĩnh vực này tại cơ sở còn nhiều bất cập. Để khắc phục những tồn tại đang đặt ra đòi hỏi trách nhiệm của nhiều phía.

Trong phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu lớn nhất là làm tốt công tác “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra là cần nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Cụ thể là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành máy móc theo yêu cầu của nhà sản xuất, đồng thời với đó là thực hiện nghiêm hướng dẫn khi sử dụng các thiết bị có thể sinh ra nguồn nhiệt một cách thiếu kiểm soát, không đúng quy định. Bản thân người lao động cần biết tự bảo vệ mình bằng cách không nghỉ qua đêm tại các nhà kho, xưởng sản xuất.

Về phía chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể là ngay khi thiết kế, xây dựng kho, xưởng phải có giải pháp phòng cháy; chỉ đưa kho, xưởng vào sử dụng khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy. Quá trình vận hành kho, xưởng sản xuất cần đặt yếu tố an toàn lao động nói chung và an toàn phòng cháy, chữa cháy nói riêng là ưu tiên số một... Đi kèm với đó là xây dựng tổ, đội phòng cháy tại chỗ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, sử dụng thành thạo thiết bị phòng, chữa cháy được trang bị…

Với chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng, nhất là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Trong đó, cần kiên trì đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để chủ cơ sở, người lao động ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ và tự giác thực hiện. Cùng với đó là thông báo công khai các kho, xưởng không bảo đảm an toàn phòng cháy để nhân dân trên địa bàn nắm được và cùng chính quyền tham gia giám sát.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cần nắm chắc địa bàn, cơ sở sản xuất công nghiệp (nhất là cơ sở sử dụng hóa chất độc hại) có nguy cơ cháy nổ, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp với từng loại hình cơ sở khi có cháy, nổ xảy ra. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, rà soát về phòng cháy theo hướng thường xuyên và nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý, tránh tình trạng “phạt cho tồn tại”...

Tất cả cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, coi trọng công tác phòng, chống cháy, nổ. Như vậy, mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất những vụ cháy, nổ xảy ra tại các kho, xưởng sản xuất gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.