Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm trong sử dụng đồng tiền

Hoàng Thu Vân| 13/06/2012 05:33

(HNM) - Ngày 11-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận về việc bổ sung vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 cho 5 dự án gồm: Cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), Nhà ở sinh viên ĐH Trà Vinh, Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng và cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận.


Tổng mức tiền của 5 dự án là 5.363 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án cho giao thông chiếm tới 4.973 tỷ đồng, hai dự án còn lại (một cho y tế và một cho giáo dục) là 390 tỷ đồng. Đưa ra con số như vậy để thấy, mỗi dự án giao thông đều tiêu tốn rất nhiều tiền so với dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Thảo luận tại QH, các đại biểu cho rằng đây đều là những dự án cấp bách, đang được xây dựng, nếu ngừng cấp vốn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chi phí đầu tư. Tuy nhiên có hai vấn đề đã được các đại biểu đặt ra, đây cũng chính là những "gạch đầu dòng" được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất: Tiêu đồng tiền phải có kế hoạch và kế hoạch này phải được các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng. Ấy là việc hoạch định sẽ sử dụng đồng tiền vào việc gì (thực hiện dự án ở những lĩnh vực nào); dự án nào sẽ triển khai trước,dự án nào có thể thực hiện sau (căn cứ vào tính cấp bách, hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại); số vốn dự tính đầu tư cho từng dự án (phải sát với thực tế, có tính tới những yếu tố khách quan có thể khiến dự án đội chi phí)... Đại loại là như vậy. Cho nên các cụ xưa mới dạy "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" để thấy sự cần thiết của việc chi tiêu hợp lý. Và như hiện tại, thực hiện được những yêu cầu đó chính là tránh việc đầu tư dàn trải, địa phương nào cũng muốn kéo dự án về mình mà không tính tới hiệu quả tổng thể chung, trong khi những nguồn vốn có thể huy động thì còn ở mức độ hạn hẹp nên càng phải cân nhắc, tính toán thật chặt chẽ. Một số đại biểu viện dẫn, 6 tháng trước QH đã ra Nghị quyết 12/NQ-QH13 quy định "không bổ sung các dự án mới, không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô và không phát hành vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 vượt quá 225.000 tỷ đồng". Vậy nhưng tới giờ đã phải bàn việc bổ sung vốn cho các dự án. Như vậy, rõ ràng việc lên kế hoạch, ban hành nghị quyết chưa được chuẩn bị chu đáo, thiếu tầm nhìn và sự trù tính... Đây là vấn đề cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, các cơ quan của Chính phủ, của QH phải nhận khuyết điểm về việc này.

Thứ hai: Như đã nêu ở trên, các dự án giao thông đều chiếm khá nhiều tiền, tính ra giá thành làm đường ở Việt Nam nằm trong tốp những nước đắt nhất thế giới. Song lạ kỳ là "đắt" nhưng không... "sắt ra miếng", dù đã áp dụng toàn những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhưng chất lượng các công trình giao thông lại rất kém. Lấy ví dụ là những hư hỏng phát sinh trên mặt cầu Thăng Long phải sửa chữa với quy mô lớn, nhưng sửa đi sửa lại đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để... Có đại biểu đã phát biểu trước QH những băn khoăn của cử tri là liệu có tình trạng thất thoát, tiêu cực, bị "rút ruột"... trong các dự án giao thông hay không? Và cử tri kiến nghị, QH cần có giám sát chuyên đề về việc đầu tư trong lĩnh vực này. Điều đó là rất cần thiết để đồng tiền bỏ ra đầu tư có thể thu được hiệu quả cao nhất.

Từ những vấn đề QH thảo luận trong việc bổ sung thêm vốn cho 5 dự án cấp bách có thể thấy, đây cũng chính là những vấn đề hiện đang làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư các dự án nói chung. Nguồn vốn từ ngân sách, từ trái phiếu Chính phủ và kể cả nguồn vốn vay đều là sự đóng góp của toàn xã hội. Quản lý, sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả, tránh thất thoát, tiêu cực là mong mỏi của toàn xã hội và cũng chính là nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành đối với những cơ quan chức năng được giao trọng trách. Và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong sử dụng đồng tiền cũng phải được phân định rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm trong sử dụng đồng tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.