(HNM) - Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu của con người về việc được cung cấp thông tin ngày càng cao. Điều đó một mặt phản ánh sự tiến bộ không ngừng của xã hội, một mặt thể hiện khát vọng mở rộng hiểu biết của từng cá nhân. Do vậy, vai trò đưa tin, cung cấp thông tin của nhà báo ngày càng trở nên quan trọng.
Nhiệm vụ của nhà báo là đưa tin, nhưng đi cùng với nhiệm vụ ấy là trách nhiệm đối với xã hội và trách nhiệm của con người trước số phận của những con người khác. Như vậy, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với sự thật là điều đầu tiên người cầm bút cần phải có. Những vấn đề này đều được nêu cặn kẽ trong giáo trình giảng dạy nghề làm báo và luôn được mổ xẻ, "hâm nóng" tại các hội thảo về kinh nghiệm tác nghiệp của người làm nghề.
Tuy nhiên trong thực tế, trách nhiệm đối với thông tin của người làm báo cũng có nhiều điều cần bàn. Và điều đó thể hiện khá rõ qua hai sự việc được cho là nóng nhất trong dư luận xã hội những ngày gần đây. Trước hết là thông tin về Tượng Thánh Gióng tại Sóc Sơn (Hà Nội) bị dỡ bỏ từ giữa tháng 1-2012, tiếp đó là thông tin về gạo nghi giả xuất hiện tại Hà Nội.
Về thông tin mẫu Tượng Thánh Gióng bị dỡ bỏ, sự thật đã được các cơ quan quản lý, các chuyên gia chuyên ngành trả lời rõ ràng trên công luận. Thì ra bức tượng bằng thạch cao bị dỡ bỏ tại Sóc Sơn chỉ là mẫu trung gian và "nhiệm vụ lịch sử" của nó đã kết thúc sau khi hoàn thành Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng trên đỉnh núi Đá Chồng. Trong vụ việc này, người cung cấp thông tin cho báo chí có thể có những mục đích riêng, nhưng vấn đề là ở chỗ hiểu biết chuyên ngành cũng như sự thẩm định, kiểm chứng của người cầm bút trước thông tin. Cần lưu ý rằng, đây không phải là một thông tin bình thường mà là một thông tin rất quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội khi liên quan tới hình tượng Thánh Gióng - một trong "tứ bất tử" trong đời sống tâm linh người Việt. Điều đó là minh chứng rõ nét cho sự thiếu trách nhiệm của người cầm bút đối với xã hội.
Về thông tin xuất hiện gạo nghi giả trên thị trường Hà Nội, từ cung cấp của phóng viên một số tờ báo, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc đề nghị Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia phân tích 5 mẫu gạo thu được. Kết quả là các chỉ tiêu đều phù hợp với thành phần gạo Việt Nam. Nói cách khác, các mẫu gạo trên không phải là gạo giả. Song việc thông tin tràn ngập trên các tờ báo mạng những ngày qua về việc gạo giả xuất hiện trên thị trường Hà Nội (khi nấu cơm có mùi nhựa, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng) đã gây tâm lý hoang mang lo lắng cho cộng đồng. Và chắc chắn kiểu thông tin ấy sẽ ảnh hưởng tới đời sống người nông dân quanh năm suốt tháng vất vả một nắng hai sương trong việc tiêu thụ sản phẩm và trực tiếp làm tổn hại hình ảnh của Việt Nam - một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Không chỉ có hai vụ việc nêu trên, nếu điểm lại còn có hàng loạt vụ việc mà từ thông tin sai lệch của người cầm bút đã khiến cho bà con ta điêu đứng như mắm tôm là thủ phạm gây nên dịch tiêu chảy cấp, ăn vải thiều bị viêm não Nhật Bản...
Ai đó từng nói: Đằng sau mỗi cái tin luôn có con người. Thật vậy, mỗi sự kiện thông tin trên báo chí luôn là số phận của những con người, những nhóm người trong xã hội. Do đó, người cầm bút phải luôn đề cao trách nhiệm cá nhân trong cung cấp thông tin tới xã hội. Một nhà báo lão thành từng đúc kết: "Làm báo không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Bởi nghề báo không tồn tại tự nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.