Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh vẻ vang

Thống Nhất| 20/11/2015 06:23

(HNM) - Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 không chỉ để tri ân những đóng góp của các thầy, cô giáo, mà còn là dịp để những người trong ngành nhìn lại, hoàn thiện mình theo các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của sự nghiệp


Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 không chỉ để tri ân những đóng góp của các thầy, cô giáo, mà còn là dịp để những người trong ngành nhìn lại, hoàn thiện mình theo các yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của sự nghiệp "trồng người".

Cô và trò Trường Mầm non A xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Ảnh: Bùi Tuấn


Tri ân không chỉ một ngày

Hơn 30 năm trước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 28-9-1982, lấy ngày 20-11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc dành một ngày để tôn vinh đội ngũ những người làm nghề giáo thể hiện sự trân trọng, ghi nhận cống hiến của các thầy, cô giáo - những người gieo "mầm tương lai" cho đất nước.

Với truyền thống tôn sư trọng đạo và quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu", sự quan tâm, tri ân đối với những người mang trọng trách "trồng người" luôn được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm thường xuyên, thiết thực. Điều này càng được thể hiện rõ khi giáo dục Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo cần có những điều kiện để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục ở những vùng còn khó khăn, các thầy, cô giáo công tác tại đây được hưởng nhiều chính sách đặc biệt về trợ cấp, phụ cấp lưu động, hỗ trợ chỗ ở, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ làm kinh tế... Tròn 10 năm nay, hơn 1 triệu thầy, cô giáo cả nước đã được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi với các mức 25% - 30% - 35% - 40% - 45%, cao nhất là 50% đối với các nhà giáo trực tiếp giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Với số lượng nhà giáo lớn nhất cả nước - 120 nghìn người, Hà Nội đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, từ việc quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, thực hiện chế độ đãi ngộ... Để chọn được những người thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, công tác tuyển dụng được đổi mới theo hướng phân cấp cho cơ sở, kết quả tuyển dụng không chỉ căn cứ vào hồ sơ mà còn phụ thuộc vào năng lực, kỹ năng sư phạm của thí sinh. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo được coi trọng, thể hiện ở mức kinh phí dành cho công tác này tăng hằng năm, trong năm 2015 là 13 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với năm trước.

Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới là coi trọng việc rèn kỹ năng, lấy học sinh (HS) làm trung tâm, cách thức đánh giá giáo viên có nhiều đổi mới. Đáng chú ý nhất là việc đánh giá kết quả giờ dạy không phải dựa trên quy trình triển khai bài giảng của giáo viên mà là hiệu quả tổ chức các hoạt động đối với HS. Những phản hồi tích cực của HS trong giờ học được cho là tiêu chí tiên quyết đối với một giờ dạy đạt yêu cầu.

Chặng đường mới, trọng trách lớn

Vinh dự, tự hào với sứ mệnh cao cả, song, trước yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới, mỗi nhà giáo mang trên mình trọng trách nặng nề, nhất là việc tiếp cận với mục tiêu, cách thức giáo dục mới... Đã có người đặt ra câu hỏi rằng, liệu trong quá trình chuyển từ cách dạy học truyền thống sang cách dạy học mới, tương quan vai trò của người dạy và người học có thay đổi hay không? PGS Đặng Quốc Bảo (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo) khẳng định: Trong giảng dạy, nếu lấy HS làm trung tâm thì sẽ phát huy được vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của HS, đồng thời đề cao hơn vai trò của người thầy. Giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm vững, có tư duy sáng tạo và nhạy cảm thì mới có thể đóng vai trò là người gợi mở, hướng dẫn, cố vấn, trọng tài trong các hoạt động độc lập của HS, đánh thức năng lực tiềm tàng trong từng em, chuẩn bị hành trang để các em tham gia tích cực vào việc xây dựng cộng đồng.

Muốn vậy, người thầy giáo phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện mình. Ngoài những việc được coi như "mẫu số chung" của nhà giáo là tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng sư phạm thì việc tiếp cận ra sao để HS tự tin thể hiện sự năng động, tích cực, hoạt động độc lập trong từng giờ dạy được coi là rất quan trọng, nhưng giờ vẫn còn là dấu hỏi lớn. Trong một cuộc hội thảo gần đây tổ chức tại Hà Nội, đây là vấn đề khiến hàng trăm thầy, cô giáo các trường phổ thông trăn trở. Nhiều ý kiến thống nhất rằng, để HS hào hứng hơn với việc học, người thầy cần đổi mới cách thức dẫn dắt bài học bằng những tình huống thực tế ấn tượng, nhằm tạo sinh khí cho HS. Tuy thế, vấn đề là làm thế nào để nội dung truyền tải rõ tính hữu ích, gần gũi với cuộc sống để các em dễ tiếp cận, phát huy được năng lực cá nhân?

Cùng một hành trình nhằm hình thành năng lực, kỹ năng bằng quan điểm lấy HS làm trung tâm, song, trong bối cảnh mà điều kiện thực tế và năng lực của từng HS, từng nhóm HS có sự khác nhau, mỗi nhà giáo cần tự chọn cho HS của mình điểm khởi đầu phù hợp, vận dụng sáng tạo phương pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh vẻ vang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.