Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm minh bạch

Nữ Quỳnh| 05/03/2011 06:32

(HNM) - Trong kế hoạch kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước có tên 27 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại, đáng chú ý có Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Than và Khoáng sản.


Thực ra đây không phải là lần đầu hai tập đoàn kinh tế lớn này có mặt trong danh sách, mà họ vừa mới được kiểm toán năm 2008. Tức là việc kiểm toán lần này không theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm. Theo người đứng đầu cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì còn một tiêu chí thứ hai để tiến hành kiểm toán là "do những bức thiết của nền kinh tế".

Hiện nay, trong bối cảnh chung của thế giới, kinh tế đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lạm phát. Tình hình giá cả biến động mạnh đã gây tâm lý đến đại bộ phận người dân, đặc biệt là việc tăng giá xăng, điện, lãi suất ngân hàng, tỉ giá ngoại tệ… kéo giá tiêu dùng tăng theo.

Với điện, ngay trước thời điểm tăng giá gần nhất đã có rất nhiều ý kiến. Tăng giá là đòi hỏi bắt buộc, nhưng việc kiểm toán cũng nhằm làm rõ các chi phí cấu thành giá điện, từ đó xác định xem việc tăng giá có hợp lý không. Hợp lý thì cũng như một lời giải thích rõ ràng và minh bạch nhất với người dân, điều này cũng sẽ tác động rất lớn đến thị trường cũng như tâm lý người dân về sau này. Nếu giá tăng là do quản lý yếu kém, sử dụng công nghệ lạc hậu, hay do hoạt động không hiệu quả thì cũng có cơ sở để điều chỉnh giá cho phù hợp.

Còn với xăng dầu, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước bãi bỏ cấp bù lỗ và đã thực hiện điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, song Chính phủ cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu trích một phần quỹ bình ổn để bù đắp khi tăng giá. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất về việc sử dụng quỹ này, thậm chí ngay cả với các đầu mối xăng dầu. Dư luận nhân dân thì băn khoăn có quỹ bình ổn sao giá vẫn tăng, độ minh bạch trong việc sử dụng quỹ này như thế nào. Chính vì thế, việc kiểm toán lúc này là cần thiết, nhất là với các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu để đánh giá việc trích lập thực tế sử dụng có đúng mục tiêu hay không và tác dụng thực sự của quỹ này đối với việc thực hiện lộ trình giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Chúng ta xác định điều hành nền kinh tế, vận hành giá theo hướng thị trường, nhưng đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động tốt nhất. Công tác kiểm toán sẽ làm rõ các yếu tố làm tăng giá, từ đó minh bạch hóa trước dân. Nói như Tổng Kiểm toán Nhà nước thì, cả nước chia sẻ với hai tập đoàn này và hai tập đoàn này cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với cả nước. Minh bạch được điều này thì sẽ tạo sự đồng thuận của xã hội. Nhà nước không thể can thiệp hành chính mãi vào việc định giá của doanh nghiệp, hay bao cấp tràn lan. Cơ chế thị trường chính là việc giá cả các mặt hàng, dịch vụ cũng cần được chính doanh nghiệp quyết định để phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhà nước vẫn cần phải kiểm tra, kiểm soát được chi phí thực tế của các doanh nghiệp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn để nếu có mặt hàng nào đó nhất thiết phải được điều chỉnh giá thì đó phải là mức giá thực sự hợp lý, tốt cho người dân, lợi cho doanh nghiệp và cho đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.