Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm mang lại sự sống

Tùng linh| 16/06/2010 08:04

Lượng máu thu gom chỉ đáp ứng 40% nhu cầu điều trị (HNM) - Những ngày cuối tuần qua, hàng loạt sự kiện được tổ chức tại Hà Nội để tôn vinh những người đã chia sẻ giọt máu đào vì đồng bào nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6.

* Lượng máu thu gom chỉ đáp ứng 40% nhu cầu điều trị
(HNM) - Những ngày cuối tuần qua, hàng loạt sự kiện được tổ chức tại Hà Nội để tôn vinh những người đã chia sẻ giọt máu đào vì đồng bào nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6. Đây cũng là một trong nhiều chương trình của chiến dịch "Những giọt máu hồng" hè 2010.

Lễ tôn vinh những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và những chiến dịch được tổ chức liên tục vào thời điểm nhạy cảm trong năm cho thấy, tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra phổ biến. TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết: Lượng máu thu gom được mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu điều trị.

Kiểm tra, bảo quản chất lượng máu tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ. Ảnh: Linh Tâm


Những thời điểm "nhạy cảm"
Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hơn 16 năm qua, kể từ ngày 24-1-1994 - Ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên được phát động - phong trào hiến máu đã không ngừng phát triển. Năm 1992, cả nước chỉ thu gom được khoảng 130.000 đơn vị máu, trong đó 90% từ người bán máu và số còn lại là của thân nhân người bệnh cho máu, chưa có hiến máu tình nguyện thì đến năm 2009 cả nước đã thu gom được 632.902 đơn vị máu, trong đó 79,06% là từ người hiến máu tình nguyện. Nhiều người đã hiến máu nhắc lại, có hàng nghìn người đã hiến trên 20 lần, hàng chục gia đình có trên 30 thành viên hiến máu, hàng trăm cơ quan, trường học, doanh nghiệp, địa phương... đã thường xuyên tổ chức hiến máu. Ở Hà Nội, cũng đã xuất hiện nhiều điển hình, những cách làm hay trong phong trào này như phường Điện Biên (quận Ba Đình) đã lấy ngày 9-5 hằng năm là ngày hội hiến máu của phường; Hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa tổ chức điểm hiến máu cố định vào ngày 15 hằng tháng để mọi người dân có thể chủ động đi hiến máu... Hiến máu đã trở thành nét đẹp văn hóa và nhiều người cũng đã hiểu rằng, hiến máu là đem lại cho người khác "dòng máu mới" để hồi sinh, là "làm trẻ lại" dòng máu của chính mình.

Dẫu vậy, "Lễ hội xuân hồng" được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán và "Những giọt máu hồng" diễn ra vào dịp hè cho thấy đây là 2 thời điểm "nhạy cảm". Trên trang web của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương có một bức thư mời hiến máu khẩn cấp: "Ngày 4-1, kho máu dự phòng của Viện còn chưa đầy 100 đơn vị, trong đó nhóm máu O, A chỉ còn 17 đơn vị, hàng ngàn người bệnh đang cận kề với tử thần vì không có máu truyền, hàng ngàn gia đình có nguy cơ đón tết trong sự đau thương vì mất người thân. Người bệnh và gia đình đang từng giờ, từng phút ngóng chờ những giọt máu nghĩa tình của chúng ta". Bức thư ấy cho thấy, ý nghĩa to lớn của việc hiến máu nhân đạo và những nỗ lực của những người làm việc thu gom một loại thuốc không thể sản xuất và cung cấp cho các bệnh viện để cứu người bệnh. Thiếu máu vào 2 thời điểm này là vì sinh viên, lực lượng chính tham gia hiến máu tình nguyện, về quê nghỉ tết và hè. Năm nay, dù đã có rất nhiều nỗ lực như tổ chức điểm thu máu cố định, xe gom máu lưu động... nhưng "điệp khúc" thiếu máu sẽ vẫn diễn ra. Các nhà huyết học còn lo ngại, hè này lại có World Cup, tình trạng thiếu máu chắc sẽ trầm trọng hơn.

Những giọt máu nghĩa tình
Ngoài mục tiêu khắc phục cơ bản tình trạng thiếu máu trầm trọng để cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong dịp hè như những năm trước, chiến dịch "Những giọt máu hồng" hè 2010 còn có thêm một "nhiệm vụ": hướng tới việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị bảo đảm đủ lượng người hiến máu (máu lưu trữ và người hiến máu dự phòng) phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bởi thế, bên cạnh "Tuần lễ hồng" để kêu gọi, động viên các nhà quản lý, cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân viên... tham gia hiến máu tại tuần lễ hiến máu ở cộng đồng; "Giọt hồng tặng bé" kêu gọi các tổ chức cá nhân tham gia hiến máu cho các bệnh nhi... còn có chương trình "Thăng Long ngàn trái tim hồng".

Để thu gom được 164.000 đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện như mục tiêu đã đề ra, ngoài đối tượng là thanh niên, sinh viên chiến dịch sẽ hướng đến cán bộ, công chức, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, người lao động trong các doanh nghiệp, vận động họ tham gia hiến máu tình nguyện. Chiến dịch sẽ vận động các nhà quản lý tham gia và tổ chức hiến máu trong đơn vị mình, động viên những nơi đã hoàn thành kế hoạch tiếp tục tổ chức thêm ít nhất 1 ngày hiến máu.

Theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chiến dịch hè 2010 đặt mục tiêu vận động ít nhất 229.500 người đăng ký hiến máu, 25.000 người đăng ký hiến máu dự bị. Để có được số lượng người tham gia hiến máu ấy, chiến dịch sẽ huy động ít nhất 6.500 tình nguyện viên trong cả nước đóng góp 500.000 ngày công vận động hiến máu; thành lập 65 câu lạc bộ tình nguyện viên hiến máu tình nguyện với khoảng 1.300 thành viên. Đây sẽ là lực lượng quan trọng làm nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp và tư vấn cho 3,5 triệu lượt người về hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông với "chỉ tiêu" có ít nhất 1.700 tin, bài phản ánh về chiến dịch sẽ làm cho "những giọt máu hồng" trở thành dòng máu chảy không ngừng, đem lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh.

Để bảo đảm nhu cầu máu điều trị cho người bệnh phải có ít nhất 2/3 dân số đi hiến máu, nhưng con số này hiện nay ở nước ta chưa đến 1%, trong đó 70% là học sinh, sinh viên. Biết rằng con đường đến đích còn xa, như các chuyên gia đánh giá là nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì cũng phải mười lăm hai mươi năm nữa mới có đủ máu phục vụ điều trị, nhưng để đến đích không còn cách nào khác là phải bước từng bước vững chắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm mang lại sự sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.