(HNM) - Tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đang ở mức nghiêm trọng.
Xác định phát triển kinh tế, xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ, cải thiện môi trường, thời gian qua, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thắt chặt quản lý ô nhiễm công nghiệp.
Trong xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Thủ đô đang diễn ra mạnh mẽ, với sự hình thành và phát triển của nhiều ngành nghề sản xuất; sự gia tăng về cả số lượng và quy mô của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, kéo theo đó là lượng lớn chất thải công nghiệp phát sinh, gây sức ép cho công tác quản lý. Theo thống kê, mỗi ngày, trung bình tại Hà Nội có 750 tấn rác thải công nghiệp, 75.000m3 nước thải công nghiệp phát sinh và con số này đang có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Đứng trước thách thức đó, TP Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp. Hệ thống cơ sở pháp lý từng bước được hoàn thiện với việc ban hành Quy định quản lý cụm công nghiệp; Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP Hà Nội; các bộ quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của TP Hà Nội theo quy định tại Điều 14, Luật Thủ đô được dự thảo và đề xuất với Bộ Tài nguyên - Môi trường… Nhiều vấn đề nóng trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố dần được giải quyết nhờ sự tích cực trong việc triển khai các dự án, chương trình trọng tâm như: Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 22-5-2012 của UBND thành phố về quản lý ô nhiễm công nghiệp đến năm 2015; các cụm công nghiệp đang lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung... Ngoài ra, công tác thu gom, xử lý chất thải công nghiệp được cải thiện với nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp áp dụng các công nghệ hiện đại được triển khai: Dự án trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu công suất 13.000m3/ngày đêm; Dự án trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, công suất 8.000m3/ngày đêm; Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn… Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
UBND TP Hà Nội cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực từ cộng đồng. Ngày 28-5-2013, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch truyền thông số 86/KH-UBND về quản lý ô nhiễm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2015. Năm 2014, Sở Tài nguyên - Môi trường đã và đang triển khai tuyên truyền về các chính sách, quy định và thông tin về công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố tới doanh nghiệp và cộng đồng thông qua các kênh thông tin đa dạng, phong phú như báo chí, truyền hình, bản tin môi trường, chuyên mục Quản lý ô nhiễm công nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên - Môi trường… Đồng thời, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thông qua xây dựng và phát triển mạng lưới truyền thông về quản lý ô nhiễm công nghiệp, tổ chức cuộc thi "Sáng kiến giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội năm 2014" với thông điệp "Sáng kiến hay - Bắt tay hành động - Phòng ngừa ô nhiễm", cuộc thi "Thông điệp xanh về quản lý ô nhiễm công nghiệp"… Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao năng lực về quản lý ô nhiễm công nghiệp cho cán bộ quản lý môi trường tại các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự vào cuộc tích cực của Sở Tài nguyên - Môi trường và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai quyết liệt, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội. Để những giải pháp này phát huy được hiệu quả tối đa và thiết thực với doanh nghiệp, cộng đồng, sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội là rất ý nghĩa và quan trọng.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/TTg ngày 6-7-2011, thành phố sẽ có 15 khu công nghiệp, hiện tại đã có 8 khu công nghiệp và 107 cụm công nghiệp đang hoạt động với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.