(HNM) - Trong giai đoạn hiện nay, công nhân lao động (CNLĐ) đang phải đối mặt với không ít khó khăn và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị stress cao.
Nguyên nhân stress đối với CNLĐ được xác định bởi 5 vấn đề của đời sống, đó là: vật chất thiếu thốn, tinh thần nghèo nàn, cường độ làm việc quá tải, sự xa cách người thân kéo dài, lo sợ khi nghĩ tới tương lai. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho CNLĐ vẫn là một lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ...
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động là việc làm hết sức cần thiết để giải quyết cơ bản tình trạng stress. Ảnh: Khánh Nguyên
Vào tuổi 18 lên Hà Nội, đến với nghề công nhân may, cô gái xứ Thanh Nguyễn Hải Yến cởi mở, tự tin, mơ ước có một công việc ổn định, có ý tưởng lập gia đình ở Hà Nội. Nhưng sau 3 năm làm công nhân, quanh năm quay cuồng với khoán định mức lao động, bó buộc trong nhà xưởng với ca kíp ngày đêm, Yến đã bị "biến" thành một người trầm lặng từ lúc nào không hay. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, muốn đi đâu đó, song Yến không thể vượt qua được rào cản khó khăn: không có tiền, không có phương tiện và cũng không biết nơi nào phù hợp. Giờ đây, tuy mới ngoài 24 tuổi nhưng Yến sống như một người trung tuổi.
Trường hợp của Yến chỉ là một ví dụ về tình hình stress đang tấn công mạnh và lan rộng trong CNLĐ. Trên thực tế, có muôn vàn hoàn cảnh khác nhau và tình trạng stress khác nhau. Đề tài nghiên cứu "vấn đề stress của công nhân ở một số KCN-CX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" của Thạc sỹ tâm lý Đào Thị Duyên được dư luận rất chú ý. Theo đó, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ stress của CNLĐ không chỉ giới hạn trong phạm vi nghề nghiệp mà còn do rất nhiều tác động khác như yếu tố thể lý, tâm lý, quan hệ xã hội, đời sống vật chất và tinh thần. Cụ thể, gây stress nhiều cho công nhân là thu nhập thấp chiếm tỷ lệ 75,1%; đời sống vật chất thiếu thốn chiếm 81,1%; lo lắng, lo sợ về nhiều vấn đề trong cuộc sống chiếm 61,7%; sống xa gia đình chiếm 72,5%; kinh tế gia đình khó khăn chiếm 75,2%... Trong khi đó, có tới 60,1% công nhân rất ít hoặc chưa hiểu biết về stress.
Về thực trạng trên, các chuyên gia tâm lý nhận định, những áp lực về công việc, cuộc sống, sự phức tạp trong các mối quan hệ đồng nghiệp, gia đình, xã hội là nguyên nhân chính khiến CNLĐ lâm vào tình trạng stress. Người stress thường bị nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, dễ cáu kỉnh, không hài lòng về công việc, kèm theo đó là xuất hiện những cảm xúc tiêu cực. Stress dẫn đến rối loạn thể chất, tinh thần, tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, mà còn làm giảm năng suất, hiệu quả lao động khiến người sử dụng lao động cũng thiệt hại.
Làm gì để giúp NLĐ "thoát" khỏi stress? Nhiều cán bộ CĐ cho rằng, DN cần phối hợp CĐ, kịp thời động viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của CNLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh việc tổ chức và khuyến khích CNLĐ tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể thao để làm phong phú tinh thần, ổn định tâm lý cho họ. Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hà cho rằng, đời sống tinh thần của CNLĐ hiện còn nghèo nàn, tẻ nhạt. Thời gian qua, các cấp CĐ Thủ đô đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho họ thông qua việc thành lập các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tổ chức liên hoan văn nghệ "hát cho công nhân nghe", đưa Báo Lao động Thủ đô tới tận tay NLĐ, tổ chức giao lưu đối thoại với NLĐ... Song để giải quyết căn cơ tình trạng stress trong CNLĐ, DN cần nêu cao trách nhiệm của mình như đưa ra kế hoạch sản xuất rõ ràng để CNLĐ hình dung, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý làm việc; xây dựng chế độ lao động, tiền công hợp lý, cải thiện đời sống công nhân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.