Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội

Quỳnh Anh| 01/03/2011 07:09

(HNM) - Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, vài năm trở lại đây, số trẻ em bị xâm phạm tình dục (XPTD) liên tục tăng và ngày càng có tính chất phức tạp hơn. Số trẻ em bị XPTD chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm 65,9%), độ tuổi bị xâm phạm ngày càng thấp. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ trẻ em bị XPTD lại chưa thực sự được xã hội quan tâm đúng mức…

Tổ chức tốt đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí sẽ giúp các em kết nối với các dịch vụ khẩn cấp khi cần thiết. Ảnh: Dương Ngọc

Nhắc đến trường hợp em V.T.N bị XPTD, nhiều người ở huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn còn nguyên cảm giác xót xa. Hiện nay, V.T.N luôn sống trong nỗi ám ảnh, sợ hãi. Hôm đó sau khi ăn cơm ở nhà người bạn, em đi về nhà qua cánh đồng thì bị Nguyễn Kỳ Anh, sinh năm 1986, trú ở huyện Đông Anh dùng vũ lực đe dọa, ép vào túp lều hoang giữa đồng để thực hiện hành vi đồi bại. Mấy ngày sau, vụ án đã được cơ quan điều tra làm rõ và bắt giữ hung thủ... Chung nỗi đau như N, cháu T, 11 tuổi, ở thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang bị người hàng xóm tên là H.V.P, sinh năm 1954 hãm hại. Lợi dụng lúc cháu T sang chơi trốn tìm với con gái của mình, P đã cưỡng ép cháu T, để thực hiện hành vi đồi bại.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, vài năm trở lại đây, số trẻ em bị XPTD liên tục gia tăng, từ 200 em năm 2005 tăng lên 833 em năm 2009 và ước tính năm 2010 là 900 em. Đây là số trẻ em bị XPTD được trình báo. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình chưa chặt chẽ; nhiều vụ XPTD trẻ em bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên... Địa bàn xảy ra nhiều vụ XPTD trẻ em là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rồi đến Đông Nam bộ. Địa phương xảy ra nhiều trẻ em bị XPTD là Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%). Một số vụ XPTD trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng loạn luân (bố đẻ XPTD với con gái chiếm 0,6%, bố dượng XPTD với con riêng của vợ chiếm 1%) tuy tỷ lệ thấp nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến truyền thống đạo đức gia đình và an toàn xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị XPTD. Về phía những đối tượng xâm hại trẻ em, phần nhiều có học vấn thấp, uống rượu bia say dẫn đến hành vi xâm hại các em. Bên cạnh đó, bị tác động, kích thích từ phim ảnh, văn hóa phẩm đồi trụy... cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi XPTD trẻ em. Về phía các em bị lạm dụng, xâm hại, phần nhiều do các em thường ở nhà một mình, đi chơi những nơi vắng vẻ - đây chính là cơ hội cho những kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại của mình. Những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (các em phải tự lao động, lang thang kiếm sống), gia đình vi phạm pháp luật dẫn đến thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục con em mình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các em bị lạm dụng, xâm hại. Ngoài ra cũng không ít trường hợp sau khi các em bị kẻ xấu XPTD thì các em hoặc người thân các em đã chậm báo cho các cơ quan chức năng để được can thiệp, xử lý kịp thời.

Để bảo vệ trẻ em khỏi bị XPTD, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình trong quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo cho trẻ môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình phòng, chống XPTD trẻ em... Như vậy mới từng bước xóa bỏ tình trạng trẻ em bị XPTD.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự nước ta thì mọi hành vi XPTD trẻ em là hành vi phạm pháp. Theo Điều 112, Bộ luật Hình sự (năm 2000): Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Cũng theo điều luật này thì mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.