Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của doanh nghiệp khi đưa người đi làm việc ở nước ngoài

Thạc sĩ, luật sư Lê Việt Nga| 07/06/2014 07:29

Công ty chúng tôi vừa trúng thầu một dự án ở nước ngoài và có nhu cầu đưa người lao động đi làm việc. Xin hỏi quý báo, khi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì và phải tiến hành những thủ tục như thế nào? Vương Thúy Hằng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Công ty chúng tôi vừa trúng thầu một dự án ở nước ngoài và có nhu cầu đưa người lao động đi làm việc. Xin hỏi quý báo, khi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì và phải tiến hành những thủ tục như thế nào?
Vương Thúy Hằng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 28, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 quy định, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây: Được Bộ LĐ-TB&XH cho phép; người lao động được doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động; chỉ được đưa người lao động đi làm việc tại các công trình, dự án mà doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài; có phương án sử dụng và quản lý người lao động ở nước ngoài; có phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.

Căn cứ Điều 29, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu phải gửi báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài, danh sách người lao động ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho Bộ LĐ-TB&XH. Báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm các nội dung sau đây: Phương án sử dụng và quản lý người lao động ở nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, ngành, nghề, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác có liên quan đến người lao động; phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của doanh nghiệp khi đưa người đi làm việc ở nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.