(HNM) - Mở các trang báo ngày 9-4 ra, thấy rất nhiều bài viết xoay quanh chủ đề phát hiện chất tạo nạc trên thị trường, một chủ đề gây xôn xao dư luận suốt mấy tuần nay.
Nhưng khác với trước, nhiều bài viết lần này "đổi chiều", từ chỗ lớn tiếng cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra với người tiêu dùng do không quản lý tốt, để người chăn nuôi sử dụng các chất bị cấm (salbutamol và ratopamine) trộn vào thức ăn cho lợn với mục đích tăng lượng nạc, bán được giá, gây độc hại cho người ăn sang phàn nàn về cách thông tin không chính xác của báo chí, khiến cho cả ngành chăn nuôi thiệt hại 2.100 tỷ đồng một cách oan ức. Nhiều tiếng nói còn khuyến khích người dân mua thịt lợn vì "nhìn chung, thịt lợn vẫn an toàn, loại thịt sử dụng chất tạo nạc chỉ chiếm số nhỏ và rất dễ nhận biết". Tóm lại là khẳng định mọi chuyện vẫn an toàn, thiên hạ bình yên, không có gì phải lo lắng.
Nhân chuyện này, xin bàn về một hiện tượng từng tồn tại khá lâu trong xã hội, khiến người dân mất lòng tin cả với cơ quan công quyền và báo chí, hiện tượng nói trước sau không như một.
Không phải đến chất tạo nạc độc hại được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi mới có chuyện đột ngột rất nhiều thông tin om xòm khiến dư luận nóng lên nhưng khi người đọc sợ hãi tẩy chay thịt lợn thì vì một lý do nào đó, "gió" bỗng đổi chiều. Mà trước đấy, có thể kể ra vụ hàng ngàn héc ta rau xanh của huyện Thanh Trì (Hà Nội) không đủ độ an toàn; trong sữa bột có chứa chất melamine gây ung thư; thịt gia cầm bán ngoài chợ mang virut cúm H5N1; mắm tôm, thịt chó mang khuẩn tả; nhiều loại thịt sống, thịt chín bán ngoài chợ là thịt lợn chết, thịt thối nhập ngoại được tẩy hóa chất, thịt mang virut bệnh tai xanh kể cả patê, thịt hun khói mang khuẩn bò điên; mực khô giả; trứng gà giả; gạo giả, v.v... nghĩa là còn nhiều nữa.
Dân ta vốn tin những thông tin đưa lên báo, phát thanh, truyền hình. Sau khi có thông tin, người ta lập tức thận trọng, nhiều trường hợp tẩy chay các thực phẩm rau, thịt, trứng, sữa, gạo đó. Sản xuất đình đốn, người sản xuất khốn khổ. Buôn bán đình trệ, nhà hàng ế ẩm. Thiệt hại cho cả người dân và Nhà nước. Đến đỉnh điểm của sự ngưng trệ đó, bỗng có tiếng nói ngược lại, thường là từ các cơ quan nhà nước (các cục thuộc Bộ Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường; công an; cơ quan quản lý thị trường) kêu gọi người dân hãy mua và sử dụng những thực phẩm rất nhiều tai tiếng đó, vì nó an toàn chứ không như báo chí nói sai. Chẳng hạn như chất tạo nạc độc hại, từ năm 2000 đến nay, đã hai lần dư luận ồn ào rồi lại im ắng, đến lần này, cũng lại ồn lên hàng chục ngày, rồi lại có cuộc họp báo cải chính để mọi chuyện im ắng trở lại.
Và bây giờ người ta đổ cả lỗi cho báo chí. Nhưng sâu xa hơn là lỗi của những cơ quan có trách nhiệm với đời sống của dân đã tắc trách, phản ứng lề mề, chậm chạp, không xử lý kịp thời, triệt để đến nơi đến chốn nếu thông tin sai. Cũng phải kể đến lỗi của các doanh nghiệp lợi dụng báo chí để tung ra những đòn triệt hạ nhau trong cuộc cạnh tranh. Còn báo chí có bé xé ra to, không điều tra kỹ càng, để người khác lợi dụng đã rõ. Từ khuyết điểm của cả ba mảng đó cộng lại, người dân hoang mang không biết nên tin hay không tin báo chí và các cơ quan công quyền. Và sự mất niềm tin đó mới là tổn thất nặng nề nhất, không chỉ là hàng ngàn tỷ đồng mỗi vụ việc như đã được công bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.