Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu?

Khánh Khoa| 08/06/2011 06:35

(HNM) - Như tin đã đưa, Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội đã bắt khẩn cấp ông Trương Chiến Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Quản lý bất động sản UDIC (UDIC Land) về hành vi lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản.


Theo điều tra, ông Bình cùng hai nhân viên dưới quyền đã thu tiền chênh lệch khi bán căn hộ tại Khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) làm chủ đầu tư. Thực chất Công ty UDIC Land có quan hệ như thế nào với Tổng Công ty UDIC? Nguồn gốc các căn nhà mà những cá nhân của UDIC Land thu chênh lệch ở đâu? Đây có phải là chủ trương của Tổng Công ty UDIC hay không? PV Báo Hànộimới đã đi tìm câu trả lời...


Một góc Khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty UDIC Từ Hà cho biết, Công ty UDIC Land là công ty cổ phần mà Tổng Công ty UDIC góp 10% vốn điều lệ, với ngành nghề chính là quản lý bất động sản (BĐS) và giao dịch BĐS qua sàn. Đầu năm 2011, để thu hồi vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Tổng Công ty UDIC quyết định bán 12 căn nhà ở thấp tầng tại lô K, khu nhà bán Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. 12 căn nhà này được xây dựng từ năm 2005 đến năm 2008 đã phê duyệt phương án bán với giá từ 57 triệu đồng/m2 đến 67 triệu đồng/m2, nhưng do thị trường trầm lắng nên chưa bán được. Tháng 2-2011, Tổng Công ty UDIC phê duyệt lại phương án bán 12 căn nhà nói trên, trong đó có 1 căn giá 110 triệu đồng/m2, 5 căn giá 115 triệu đồng/m2 và 6 căn giá 135 triệu đồng/m2, tùy theo lợi thế về vị trí. Giá bán này đã được Hội đồng bán nhà Tổng Công ty UDIC phân tích trên cơ sở tham khảo giá thị trường và nguyên tắc thu hồi vốn nhanh để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định, các sản phẩm BĐS phải giao dịch qua sàn, 12 căn nhà trên được Tổng Công ty UDIC ký hợp đồng giao dịch qua sàn với Công ty UDIC Land. Trước khi ký hợp đồng, Tổng Công ty UDIC đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về xây dựng và phê duyệt giá bán từng căn nhà, phê duyệt quy chế bán nhà và thống nhất với Công ty UDIC Land quy trình giao dịch BĐS theo quy định tại Nghị định 153/2007/CP của Chính phủ và Thông tư 13/2008/TT- BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, khách hàng có nhu cầu mua nhà tìm hiểu thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc tại sàn giao dịch BĐS UDIC Land; đăng ký trực tiếp theo mẫu phiếu đăng ký tại sàn UDIC Land phát hành. Phiếu đăng ký được sàn giao dịch UDIC Land xác nhận và gửi bằng văn bản về Tổng Công ty UDIC. Phòng Đầu tư phát triển của Tổng Công ty UDIC có trách nhiệm trình Tổng Giám đốc UDIC phê duyệt danh sách. Sau khi danh sách được phê duyệt, sàn giao dịch UDIC Land có trách nhiệm thông báo cho khách hàng, hướng dẫn đến Tổng Công ty UDIC làm thủ tục mua bán. Hiện, đã có 7 khách hàng được duyệt danh sách, đặt cọc và ký hợp đồng mua bán với Tổng Công ty UDIC. Đây là quy trình mua - bán theo đúng quy định của pháp luật - ông Từ Hà khẳng định. Việc tự ý thu chênh lệch hoàn toàn là việc làm đơn phương của cán bộ Công ty UDIC Land. Đảng ủy, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Tổng Công ty UDIC không có chủ trương thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng với khách hàng khi giao việc bán 12 căn nhà trên qua Công ty UDIC Land.

Liên quan đến việc kiểm soát sàn giao dịch BĐS UDIC Land, ông Từ Hà cho biết, rất khó bởi vì Công ty UDIC Land hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Tổng Công ty UDIC chỉ là cổ đông nhỏ, với 10% vốn điều lệ, nên không nắm quyền kiểm soát. Từ trước tới nay, Tổng Công ty UDIC đã bán rất nhiều nhà ở thấp tầng và căn hộ chung cư theo phương thức Tổng Công ty trực tiếp giao dịch với khách hàng và không có vấn đề gì. Khi bán 12 căn nhà thấp tầng trên, tuân thủ quy định của pháp luật, lần đầu tiên Tổng Công ty UDIC phải thực hiện giao dịch qua sàn. Do việc giao dịch với khách hàng qua một doanh nghiệp có pháp nhân khác, nên Tổng Công ty UDIC không kiểm soát được chất lượng cán bộ và toàn bộ quá trình giao dịch mua bán, khi gặp phải cán bộ thiếu trách nhiệm, tự ý "thổi" giá để hưởng chênh lệch, khách hàng phải chịu thiệt hại, Tổng Công ty cũng bị chậm tiến độ thu hồi vốn. Đây là bài học trong quá trình quản trị sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty sau này.

Theo một chuyên gia BĐS, quy định buộc các chủ đầu tư giao dịch qua sàn BĐS nhằm mục đích minh bạch, công khai dự án, người mua có thể tiếp cận sản phẩm với mức giá thấp nhất, đồng thời qua đó cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động mua bán. Thực tế, từ khi có quy định, thị trường BĐS nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít sàn giao dịch đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sai phạm. Đầu năm nay, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã công bố danh sách một loạt sàn giao dịch BĐS có sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.