Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm công dân và niềm tin sâu sắc

Hànộimới| 22/05/2016 04:23

(HNM) - Hôm nay 22-5, hơn 69 triệu cử tri cả nước thực hiện quyền công dân của mình đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Còn nhớ ngày 3-9-1945, chỉ sau một ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm lúc đó phải thực hiện ngay là "tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội, để cử ra một Chính phủ thực sự của dân và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới".

Vượt lên tất cả khó khăn, ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946 đã ghi dấu ấn cho một thể chế chính trị mới của nước Việt Nam - thể chế chính trị dân chủ cộng hòa được quyết định bởi những lá phiếu đầy tinh thần trách nhiệm của cử tri.

Trải qua hơn 70 năm, với mười ba nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu dân cử luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Cuộc bầu cử lần thứ mười bốn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Do đó, việc lựa chọn những người xứng đáng nhất làm đại biểu nhân dân trong cuộc bầu cử lần này là dịp để cử tri bầu ra một Quốc hội và cơ quan quyền lực các cấp có đủ năng lực thực hiện thành công sứ mệnh mà nhân dân giao phó trong bối cảnh mới của tình hình trong nước và quốc tế là hết sức quan trọng.

Đây còn là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, một lần nữa khẳng định nhân dân là người chủ đất nước; quyền con người đi cùng quyền và nghĩa vụ công dân. Đây cũng là cuộc bầu cử sau khi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 được ban hành với nhiều sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho mọi công dân có điều kiện thuận lợi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Cử tri cả nước với quyền lợi và nghĩa vụ của mình sẽ tự do lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng để gánh vác việc nước. Đặc biệt, những người trúng cử phải nhận rõ trọng trách, ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, tham gia vào những quyết sách mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Các hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động, tuyên truyền… về bầu cử đã làm cho mỗi cử tri nhận thức sâu sắc bầu cử là quyền và trách nhiệm của mọi công dân. Cử tri và các ứng cử viên có sự đối thoại, trao đổi thẳng thắn, dân chủ, cởi mở; có sự chia sẻ, đồng cảm đầy thấu hiểu và nhân văn… Điều đó đã giúp cử tri nắm bắt được các chương trình tranh cử, cả lời hứa của ứng viên cũng như cái "tâm" của ứng cử viên, để khi họ trở thành đại biểu, các chương trình, lời hứa đó sẽ biến thành hành động cụ thể thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, chất vấn, giám sát... Từ đó, cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát các hoạt động của các đại biểu nhân dân. Đó chính là cốt lõi của việc nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, để Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lấy tinh thần thượng tôn pháp luật làm tôn chỉ mục đích.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, trong những lá phiếu bầu hôm nay, cử tri cần thể hiện rõ nghĩa vụ của mình thông qua việc sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất.

Mỗi lá phiếu cử tri thể hiện rõ niềm tin sâu sắc vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm công dân và niềm tin sâu sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.