Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm chung của toàn xã hội

Hoàng Lan| 21/05/2022 13:35

(HNNN) - Thiếu sân chơi trẻ em là một thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Làm thế nào để có thêm nhiều sân chơi mới cho trẻ? Góp phần làm rõ vấn đề này, Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của các cá nhân, tổ chức đang trực tiếp tham gia vào việc xây dựng sân chơi cho trẻ em.

Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playground: 
Thiếu sân chơi trầm trọng

Theo quan điểm của tôi, sân chơi dành cho trẻ em tại Hà Nội luôn thiếu. Cho dù khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, chính quyền địa phương và người dân đã quan tâm hơn đến việc xây dựng sân chơi dành cho trẻ em nhưng nhìn vào hiện trạng, có thể thấy số sân chơi ấy chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của trẻ em Thủ đô. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng năm 2021 của Bộ xây dựng thì cứ 1 người phải bảo đảm có 0,5m2 sân chơi, nghĩa là nếu một khu dân cư có sức chứa  4.000 người thì phải có 2.000m2 đất dành cho sân chơi. Căn cứ vào quy chuẩn mới nhất này thì Hà Nội hiện vẫn đang thiếu sân chơi trầm trọng. Sự thiếu không gian công cộng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì thế, TPG từ trước tới nay luôn nỗ lực để tạo sân chơi cho trẻ bằng cách tận dụng các khu đất xen kẹt, những bãi đất trống, bỏ hoang... Thậm chí, ở những nơi không có khoảng không bỏ trống, TPG cũng tìm cách để tổ chức sân chơi di động, như mô hình sân chơi di động cuối tuần tại phường Ngọc Hà; bình thường, đó là nơi người ta lấy làm chỗ trông xe, cuối tuần không để xe nữa thì TPG bày đồ chơi tái chế để tạo sân chơi cho trẻ. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy chỉ cần quyết tâm là chúng ta có thể thu xếp được chỗ chơi cho trẻ em.

Bên cạnh đó, chất lượng, sức hấp dẫn của sân chơi cũng là vấn đề cần bàn. Hiện tại, các công viên, khu vui chơi công cộng chỉ có những trò chơi được “lập trình” sẵn. Những không gian ấy đang thiếu sự hấp dẫn với các em nhỏ trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu quyết tâm. TPG đã từng thiết kế những sân chơi mà trẻ em tham gia vô cùng hào hứng mặc dù không cần nhiều đồ chơi hay trang thiết bị hiện đại. Như mô hình TPG làm ở bãi giữa sông Hồng chẳng hạn, rất ít đồ chơi nhưng có cây xanh, có thảm cỏ, có các trò chơi vận động được tổ chức thường xuyên như đào đất, đốt lửa... Nghĩa là sức hấp dẫn không nằm ở số lượng sân chơi, mà phụ thuộc vào cách thiết kế không gian chơi cho trẻ và làm thế nào để trẻ luôn được tự do thể hiện mình, tự do sáng tạo.

Chị Tạ Thị Ngọc Hân - Phó Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng:
Ðồng hành cùng trẻ để xây dựng sân chơi phù hợp

Vào dịp nghỉ hè, sau khi bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương, cơ sở đoàn tại các xã, thị trấn chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt hè vào dịp cuối tuần. Theo tôi, các buổi sinh hoạt hè hiện vẫn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị ban đầu bởi cứ cuối tuần thì mô hình hoạt động này lại thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, tất cả hào hứng với các trò chơi, các buổi sinh hoạt tìm hiểu kiến thức. Để “sân chơi” ấy luôn hấp dẫn thì bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt, bổ sung thêm nhiều trò chơi, điều quan trọng nhất là chúng ta cần đồng hành cùng các em để hiểu các em hiện đang cần gì, muốn gì, từ đó triển khai nội dung các buổi sinh hoạt hè cho phù hợp.

Bên cạnh “sân chơi” đã tồn tại từ lâu ấy, cuối tháng 4 vừa qua, mô hình “Sân chơi cuối tuần cho thiếu nhi” do Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng Huyện đoàn Đan Phượng phối hợp tổ chức vào mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật hằng tuần đã bắt đầu khởi động. Mô hình này có nhiều hoạt động bổ ích, lý thú như trò chơi dân gian (bịt mắt bắt lợn, kéo co, nhảy bao bố, nhảy sạp, múa hát tập thể...), sân chơi trí tuệ “Rung chuông vàng”, bên cạnh đó là các hoạt động triển lãm tranh, tổ chức vườn ẩm thực, góc sáng tạo. Mỗi hoạt động do tổ chức Đoàn - Đội thực hiện đều hoàn toàn miễn phí, lại có hàng trăm phần quà tặng nên thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Chúng tôi nhận thấy rằng, để tạo một sân chơi cho trẻ em không khó, chỉ cần quyết tâm cao, đồng lòng hướng tới mục tiêu giúp các em thiếu nhi sau những giờ học tập căng thẳng, mỗi dịp cuối tuần có một không gian để hòa mình vào các hoạt động và thỏa sức vui chơi, khám phá thì chúng ta sẽ làm được.

Ông Nguyễn Xuân Trung (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội):
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cộng đồng

Trên địa bàn xã Phú Thị hiện không có sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em. Chỉ có vài khu vui chơi nhỏ có cầu trượt, xích đu, thú nhún do tư nhân đầu tư để kinh doanh. Trẻ em trong xã hiện đang phải sử dụng chung sân chơi với người lớn. Đó là khoảng sân trước nhà văn hóa các thôn, nơi thường diễn ra các hoạt động đá bóng, đánh cầu của thanh niên, người già tập thể dục dưỡng sinh.

Quỹ đất để xây dựng sân chơi cho trẻ em ở ngoại thành không thiếu nhưng trong nhiều năm qua, do không được quy hoạch và thiếu kinh phí xây dựng, không huy động được nguồn vốn xã hội hóa nên việc tạo sân chơi đúng nghĩa cho trẻ không được như mong muốn. Hơn nữa, dù ở ngoại thành không thiếu nhà văn hóa nhưng thiết chế này chủ yếu dùng để hội họp hoặc tổ chức sinh hoạt chung, không có hoạt động chuyên biệt dành cho thiếu nhi. Thế nên, ở nhiều nơi thuộc khu vực ngoại thành, rất khó tìm ra không gian vui chơi với đầy đủ thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm cho trẻ em.

Một mùa hè nữa đang đến và cơn “khát” không gian vui chơi của trẻ vẫn còn đó. Xây dựng những sân chơi hấp dẫn, bổ ích, lành mạnh đúng nghĩa là trách nhiệm chung của toàn xã hội với mục tiêu bảo đảm điều kiện cho sự phát triển toàn diện của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Thực tế đã cho thấy, để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng. Chúng ta, mỗi người, hãy tham gia hành động bằng việc làm cụ thể, thiết thực như: Thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi; tổ chức các mô hình hoạt động hiệu quả, hữu ích để thu hút nhiều trẻ em tham gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm chung của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.