Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm cao hơn, hiệu quả cao hơn

Võ Lâm| 21/04/2011 07:14

(HNM) - Nếu coi các giải pháp bình ổn giá là phương thuốc thì rõ ràng các giải pháp bình ổn bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa thể coi đó là loại đặc trị. Bởi vẫn còn đó những góc nhìn chưa thật hài lòng về trách nhiệm của nhiều cơ quan thực thi các giải pháp này.


Tình hình lạm phát đầu năm 2011 đã vượt ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phản ứng với hàng loạt giải pháp đem lại hiệu quả bước đầu.

Để thực thi các biện pháp kiềm chế lạm phát, cả hệ thống chính trị từ TƯ xuống địa phương đã vào cuộc. Ở mỗi cấp đều có vai trò quan trọng khác nhau. Tại các địa phương, cơ quan chức năng phải thực thi giải pháp một cách cụ thể với người thực, việc thực trên cơ sở những chỉ đạo từ TƯ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bản thân những người thực hiện ở địa phương vừa qua cũng chưa thực sự hài lòng. Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Năm 2010 số điểm bán hàng bình ổn giá đã tăng lên con số 397, nhưng vẫn là quá ít so với diện tích rộng lớn của Thủ đô. Chưa kể nhiều điểm bán hàng bình ổn giá bố trí chưa hợp lý, đơn điệu, ít hàng hóa. Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đề xuất, với số tiền khoảng 400 tỷ đồng bố trí cho doanh nghiệp mua dự trữ hàng hóa, nếu tập trung cho một vài doanh nghiệp lớn, có tiềm lực sẽ hiệu quả hơn là đầu tư dàn trải ra cả chục đơn vị như năm vừa qua. Chưa kể, tại Hà Nội, hệ thống phân phối vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa nội thành và ngoại thành, giữa đô thị và nông thôn. "Ở ngoại thành không có công ty thương mại nào, chỉ toàn các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ" - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng cho biết.

Thực tế này cho thấy, các cơ quan quản lý địa phương còn chưa phát huy hết khả năng trong thực hiện các biện pháp của Chính phủ nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Giải pháp quan trọng hàng đầu đối với việc bình ổn giá là kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về giá. Thế nhưng, việc kiểm soát giá mới chỉ đạt được hiệu quả bước đầu là buộc các chủ kinh doanh phải lập bảng giá hàng hóa công khai. Còn việc chủ hàng có bán theo giá công khai hay không hoặc giá công khai đó có đúng quy định của luật hay chưa thì vẫn "ngoài vòng kiểm soát" hoặc việc kiểm soát rất hạn chế. Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: "Việc kiểm soát giá lâu nay không quyết định được giá cả ngoài thị trường. Bây giờ là lúc phải đi vào thực chất, phải kiểm soát được bảng giá niêm yết có hợp lý hay không". Chủ tịch cho rằng, cần phải có biện pháp hành chính trong kiểm soát giá để xử lý các trường hợp giá bán đội lên quá cao so với giá thành. Nếu các cơ quan xử lý được các trường hợp như vậy, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Dẫn chứng này cho thấy, sở dĩ các giải pháp chưa phát huy hết hiệu quả vì trách nhiệm cũng như cách thực hiện của cơ quan quản lý chưa thực sự cao. Thực hiện các giải pháp của Chính phủ, một chuyên gia kinh tế cho rằng: "Chỉ cần mỗi cơ quan, mỗi cán bộ thực thi khắt khe hơn, cứng rắn hơn một chút thì hiệu quả sẽ khác biệt rõ rệt".

Thực hiện yêu cầu kiềm chế lạm phát năm nay, Hà Nội dự kiến tăng số điểm bán hàng bình ổn giá lên 600; bố trí các điểm này có trọng tâm, trọng điểm như ở nông thôn, khu công nghiệp; chi gần 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tăng cường kiểm tra niêm yết giá, kiểm soát giá bán… Những biện pháp này đều rất thực tế, nhưng giữa tính toán lý thuyết và hiệu quả đạt được vẫn là khoảng cách cần rút ngắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm cao hơn, hiệu quả cao hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.