Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trạch địa tụy

Đ.H.L| 12/08/2011 14:35

Trong cách tổ chức đoàn kết, cần phải ưu tiên, lựa chọn những người hết lòng vì chính nghĩa và lợi ích của đất nước.

Bức vẽ có một viên quan cầm miếng ngọc đã được cắt giũa vuông vắn là đã bỏ khá nhiều công sức vào đó. Con chim phượng hoàng ngậm đến phong thư là điềm lành, an vui. Một người dẫn con đến nướng cá trên lửa để ăn là có nghĩa quây quần ấm cúng. Tụy có nghĩa là cây cỏ mọc um tùm, nhiều người tập trung vào một chỗ để tiến hành công việc giao dịch hay bàn luận, nên Tụy cũng là tụ hợp với việc thi cử nhận chức, thuyên chuyển nhân sự.

Theo cổ văn, chữ Tụy có tượng cây cỏ sum suê là đất ở trong đầm nước. Quẻ này có triệu ngư hóa vi long (cá hóa rồng). Màu sắc quẻ này là tím - trắng tạo cảm giác dịu mềm, hòa nhã, tình cảm. Sự tụ họp của Tụy với mục đích chính đáng, đúng thời điểm nên sẽ rất tự nhiên, hữu ích. Nhưng bất kỳ chỗ đông người nào cũng sinh ra bất trắc, vì lòng người chưa đồng thuận, nên vừa vui vẻ quây quần, phải vừa chuẩn bị những tình huống xấu phát sinh. Hơn nữa, cần nêu cao tinh thần đoàn kết của từng cá nhân để trở thành một tập thể lớn, vì đoàn kết là sức mạnh và cũng là nơi thể hiện rõ nhất nghệ thuật lãnh đạo, ứng xử. Những lãnh tụ lớn bao giờ cũng có những nhân tài kiệt xuất quần tụ xung quanh. Lưu Bị có Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi; Mao Trạch Đông có Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Nghị; Quang Trung Nguyễn Huệ có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Ngô Thì Nhậm; Hồ Chí Minh có Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh... Với quẻ Tụy, ta cần nắm được những hiểu biết sau:

1. Tinh thần đoàn kết vô cùng quan trọng trong cuộc sống và với sự nghiệp của cá nhân và tập thể. Trong cách tổ chức đoàn kết, cần phải ưu tiên, lựa chọn những người hết lòng vì chính nghĩa và lợi ích của đất nước. Chỉ có những người như vậy mới đủ sức mạnh tinh thần giúp lãnh đạo đi con đường chính trị đúng đắn. Thời Chiến Quốc, khi Sở Trang Vương lên ngôi đã tuyên bố: Tất cả những ai can gián đều xử tội chết. Rồi từ đó bỏ bê triều chính, đêm ngày tửu sắc, Ngũ Cử không dám khuyên can thẳng thắn, bèn dâng câu đố để thay thế lời nói, Sở Trang Vương xem bảo đã hiểu rồi nhưng lại tiếp tục sa đọa. Tô Tòng không chịu nổi bèn lên tiếng khuyên can. Sở Vương hỏi Tòng đã xem chiếu chỉ về can ngăn chưa? Tô trả lời tất nhiên biết là sẽ chết, nhưng chỉ cần nhà vua hồi tâm chuyển ý thì chết cũng vui lòng. Từ đó Sở Vương trọng dụng hai hiền thần Tô, Ngũ, cách xa bọn xu nịnh. Quả nhiên nước Sở thành một trong Ngũ bá thời đó.

2. Mỗi một người trong tập thể tốt cần phải có phẩm chất trung thành, lòng dạ ngay thẳng, tinh thần dũng cảm, tư tưởng sáng suốt thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Đại tướng Lý Tích theo Lý Thế Dân khởi nghĩa, sau được bổ nhiệm làm Binh Bộ Thượng Thư. Ông là người thành thật, khiêm tốn, hoàn thành mọi việc được giao, cư xử khoan dung, nhân đạo. Trong các cuộc chiến ông luôn đi đầu, nhưng khi thắng lợi không bao giờ tranh công và không bao giờ chiếm thắng lợi phẩm hoặc phần thưởng làm của riêng. Ông là công thần trải qua ba triều đại nhà Đường là Cao Tổ - Thái Tông - Cao Tông. Khi bị bệnh nặng, ông từ chối nhận thuốc quý của vua ban vì biết tuổi quá 80, đã biết thế nào là đầy đủ. Sau khi ông mất, Cao Tông đã khóc nức nở và hạ chiếu ca ngợi Lý Tích như sau: Thờ phụng bề trên trung thành. Phụng dưỡng đồng thân có hiếu. Trải qua ba triều không hề phạm lỗi lần nào.

3. Muốn có được một đội ngũ gồm có người tài đức thì cần lựa chọn người giúp mình đúng yêu cầu, mặt khác cũng cần kêu gọi tiến cử người tài. Thời Xuân Thu, đại phu nước Tề là Kỳ Hoàng Dương cáo quan về quê vì tuổi cao. Tấn Công bảo ông tiến cử người thay thế, ông tiến cử Giải Hồ là người có thù oán với mình. Tấn Công hỏi thì ông trả lời rằng: Bệ hạ muốn thần tiến cử nhân tài có thể kinh bang trị quốc, chứ không hỏi kẻ thù của thần là ai, vì vậy Giải là bề tôi có thể dùng được. Nhưng sau đó Giải Hồ đột ngột lâm trọng bệnh qua đời, Tấn Công lại bảo Hoàng Dương tìm người khác thay thế, ông bèn tiến cử con trai mình là Kỳ Ngọ. Tấn Công ngạc nhiên hỏi lý do sao lại giới thiệu người trái ngược như vậy, ông đáp: Bậc quân tử vì việc công tiến cử người ngoài không tránh kẻ thù; tiến cử người trong nhà không tránh thân thuộc. Về sau quả nhiên Kỳ Ngọ làm việc rất tốt.

4. Cần phải biết chọn cho mỗi người con đường đi đúng đắn nhất. Bậc lãnh đạo phải đánh giá khả năng và tìm người phù hợp với công việc. Thời Nam Tống nguyên soái Trương Tuấn khi đi dạo ở vườn hoa gần nhà thấy một người lính già đang nằm ngủ bèn đánh thức dậy hỏi lý do lười biếng. Người lính trả lời không phải là lười, mà vì không có việc gì làm. Trương hỏi xem ông ta biết làm việc gì, thì người lính thản nhiên trả lời việc gì cũng biết làm một chút, thạo nhất là buôn bán. Trương hỏi vốn buôn bao nhiêu thì đủ? Người lính đáp rằng, không có vốn khó kiếm lời. Nếu cần bổ sung quân lương thì càng nhiều tiền càng tốt. Trương bèn sử dụng người lính trong việc trù tính và cung cấp quân lương, quân dụng. Người này sau lập được công lớn trong công tác hậu cần.

5. Trong mối quan hệ của một tập thể, tổ chức, chính quyền nào cũng thế, nếu để mối nghi ngờ xen vào suy nghĩ thì sẽ mang lại điềm báo rối loạn nội bộ, gây thiệt hại cho nhiều bên. Người lãnh đạo tự tin cần phải dám dùng người đã từng có sai lầm và đã dùng thì không nghi ngờ. Thời Xuân Thu, năm 628 TCN, Tần Mục Công nhận thấy Tấn Công bị bệnh nặng bèn phái ba đại tướng Minh Thị, Khốt Thật, Ất Bính thống lĩnh đại quân đánh Tấn. Nhưng người kế vị là Tấn Nhược Công đã sớm biết tin nên đã phục kích đánh bại quân Tần, bắt sống cả ba đại tướng. Để mượn kế sách mượn dao giết người, Tấn Công đã thả cả ba đại tướng về Tần vì nghĩ rằng Tần Mục Công nhất định sẽ giết chết họ vì đã bại trận. Nhưng Tần Công lại đích thân ra ngoài cổng thành đón ba vị tướng bại trận, đồng thời an ủi, động viên tinh thần và vẫn để họ thống lĩnh quân đội nước Tần. Ba năm sau, ba viên tướng kể trên lại thống lĩnh đại quân đi chinh phạt nước Tấn. Lần này quả nhiên họ đã đánh bại được quân Tấn, rửa hận cho nước Tần. Thắng lợi này là nhờ Tần Công biết câu: Kẻ sĩ có thể chịu được nhục thì sẽ thành công, nên đã tin dùng ba bại tướng.

6. Một số người không hòa hợp được với số đông, thậm chí còn bị mọi người xa lánh, không thích quan hệ. Nguyên nhân là những người này không biết cách xem xét điểm mạnh yếu của bản thân mình chỗ nào? Mỗi người cần phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh, môi trường và xã hội. Thường người ta chỉ thích nói về mình rất hay, rất mạnh, mà không nói đến khuyết điểm, nhưng như thế lại là yếu điểm không thể khắc phục. Thời Chiến quốc, nhà triết học Dương Tử có lần sang nước Tống ở trọ trong một lữ quán. Ông chủ quán có hai cô vợ. Một cô rất xinh còn cô kia vô cùng xấu xí. Nhưng cô xấu xí thì được mọi người yêu quý, còn cô xinh đẹp thì bị khinh ghét. Dương Tử hỏi nguyên nhân, ông chủ quán trả lời rằng: Cô xinh thường cho là mình xinh, nhưng không biết mình xinh đẹp chỗ nào, nên cư xử tùy ý; cô xấu thường cho là mình xấu thì không cảm thấy cô ta xấu nữa, nên luôn cư xử thật đẹp. Dương Tử kết luận: Một người phẩm chất đạo đức tốt, mà không cho rằng mình tốt, thì sẽ làm cho người khác yêu mến. Vậy nên, biết điểm yếu của mình cũng là một thế mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trạch địa tụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.