Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trả lương qua thẻ ATM: Luật hóa liệu đã đủ?

Hoàng Phong| 25/08/2011 07:00

(HNM) - Việc trả lương qua thẻ ATM có thể sẽ được đưa vào luật. Đây là một trong những điểm rất mới của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Bộ LĐ,TB&XH soạn thảo và đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Thông tin này cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi mà việc trả lương qua thẻ ATM những năm qua vẫn chưa thực sự làm hài lòng những người làm công ăn lương…

Sử dụng thẻ ATM còn lắm bất tiện

Ngày trở thành công nhân KCN Nội Bài cũng là ngày chị Nguyễn Thị Lam (trú tại xã Quang Tiến, Sóc Sơn, HN) được làm quen với chiếc thẻ ATM. Mỗi tháng, thay vì phải xếp hàng ở phòng kế toán để ký nhận lương, chị chỉ việc đến cây ATM của Ngân hàng Techcombank rút tiền. Những tưởng, chỉ cần vài thao tác đơn giản là máy đã nhả đủ cho chị 2 triệu đồng. Thế nhưng, nhận lương qua thẻ cũng lo ngay ngáy do phải nhớ mật mã để "thẻ không bị nuốt", nếu không sẽ phải đi 7km đến chi nhánh ngân hàng gần nhất làm thủ tục lấy lại thẻ, mà ngân hàng chỉ làm việc giờ hành chính nên phải nghỉ việc thì mất tiền chuyên cần của cả tháng - chị Lam bộc bạch. Lại nữa, cả KCN chỉ có một máy ATM mà riêng công ty của chị Lam đã có khoảng 100 người nhận lương qua thẻ. Nếu không may, máy hết tiền thì phải chờ đến hôm sau hoặc nhờ cây của ngân hàng khác. Mỗi lần nhờ như vậy, mất mấy nghìn tiền phí, với người khác thì bình thường nhưng với công nhân, số tiền đó đủ cho bữa ăn sáng. Rồi có những dịp lễ, Tết, ai cũng muốn rút tiền sớm để về quê, nhiều khi muốn mất tiền cũng không rút được. Không riêng chị Lam, không ít công nhân ở đây đã từng phải chấp nhận ở lại nhà trọ thêm 1-2 hôm chỉ để chờ rút được tiền.

Người nhận lương qua thẻ ATM chưa thực sự an tâm với hệ thống và dịch vụ của ngân hàng. Ảnh: Bảo Lâm

Những ngày đầu và cuối tháng, tình trạng công nhân xếp hàng dài chờ rút tiền tại các cây ATM ở cổng KCN là hình ảnh đã quá quen thuộc. Nếu tại các quận nội thành, hệ thống máy ATM được đầu tư thì tại các huyện ngoại thành, việc rút tiền tại máy ATM khó khăn hơn nhiều. Số lượng máy hạn chế mà chi nhánh, điểm giao dịch thường tập trung tại khu trung tâm, phố chính của huyện chứ ít về đến các xã. Vì vậy, khi có trục trặc, NLĐ phải đi cả chục kilômét.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yên, công nhân may KCN Sài Đồng B lại cho rằng, nếu chỉ dùng thẻ để nhận lương thì chưa thể khai thác hết tính năng và sự tiện dụng của thẻ ATM như thanh toán tiền điện thoại, tiền điện nước... Thế nhưng, với cơ sở hạ tầng hiện nay của các KCN thì công nhân cũng chỉ dùng thẻ để rút tiền mặt rồi lại chi trả tiền mặt cho các khoản chi tiêu, mua sắm khác mà không biết đến bao giờ mới tận dụng hết tiện ích vốn có của thẻ ATM.

Luật hóa liệu đã đủ?

Đề cập đến chuyện đưa quy định trả lương qua thẻ ATM vào luật, ông Hoàng Minh Hào, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, trên thực tế việc nhận lương qua thẻ ATM đã phổ biến nhờ tính tiện dụng, năng động của tấm thẻ. Không chỉ cán bộ, viên chức mà ngày càng nhiều công nhân tại các KCN, nhất là ở những TP lớn đều đã nhận lương qua thẻ. Vì lẽ đó, các nhà làm luật cũng mong muốn đưa việc trả lương qua ATM vào luật nhằm minh bạch hóa việc trả lương và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, hàng loạt những vấn đề còn để ngỏ trong thời gian qua như chi phí rút tiền sẽ do NLĐ hay do chủ sử dụng LĐ chịu, nếu bị mất tiền do bảo mật không tốt thì cơ quan nào chịu trách nhiệm; trong tài khoản phải có một khoản tiền bảo đảm, khoản đó sẽ do NLĐ hay chủ sử dụng LĐ chịu... sẽ được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật khi việc trả lương qua thẻ ATM chính thức được đưa vào luật.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại tỏ ra thận trọng với quy định đưa việc trả lương qua thẻ ATM vào luật. Thực tế trong thời gian qua, việc trả lương qua thẻ ATM được thực hiện khá tốt và thuận lợi ở các TP lớn, nơi tập trung nhiều máy rút tiền và dịch vụ sử dụng thẻ ATM như thanh toán tiền điện nước, điện thoại, tiền taxi, chuyển khoản… phát triển khá đồng bộ. Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa thì chiếc thẻ ATM và máy rút tiền vẫn còn quá xa lạ và các dịch vụ đi kèm chưa phát triển. Chưa kể, số lượng máy còn quá ít sẽ gây nhiều bất lợi cho người sử dụng. Những quy định được luật hóa chỉ bảo đảm bằng hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ chứ không đi liền với lộ trình bắt buộc ngân hàng phải đầu tư hệ thống chi nhánh, điểm giao dịch; các máy ATM để NLĐ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng dễ dàng tiếp cận. Khi hệ thống này chưa phát triển đồng bộ thì việc trả lương qua thẻ ATM nên tiếp tục xem là hướng phấn đấu, khuyến khích hơn là bắt buộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trả lương qua thẻ ATM: Luật hóa liệu đã đủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.