(HNM) - Lâu nay, tình trạng lấn chiếm diện tích sân chung tại một số khu chung cư cũ, khu tập thể để họp chợ, kinh doanh, trông giữ xe… đã khá phổ biến, gây bức xúc đối với người dân.
Đua nhau xà xẻo diện tích sử dụng chung
Những khu tập thể cũ như: Quỳnh Mai, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm phục vụ cán bộ, công nhân viên và nhân dân TP Hà Nội. Tại các khu tập thể này, khi xây dựng, đều dành ra một khoảng sân chung khá rộng rãi và trồng các loại cây để tạo bóng mát. Nơi đây được coi như khoảng không gian chung, là nơi vui chơi của trẻ em và cũng là nơi tập thể dục của người dân mỗi sáng sớm…
Thế nhưng, dạo qua các khu tập thể, nhiều người không thể nhận ra những nơi trước kia đã là một khoảng sân chung. Tại nhà E khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), phóng viên chứng kiến dãy dài hàng ăn nằm dọc chiều dài của khoảng sân chung. Mỗi hàng quán tại đây bày la liệt khoảng chục chiếc ghế nhựa cho khách ngồi ăn quà, thậm chí chủ quán còn căng bạt che mưa, nắng. Ngay cả lòng đường là lối đi chung của khu tập thể cũng phải "nhường chỗ" cho thực khách. Con đường nội bộ quanh khu tập thể đã nhỏ, nay càng hẹp hơn nữa.
Cũng nằm trên địa bàn quận Ba Đình, trong khi sân chơi cho người già, trẻ em ở khu tập thể Giảng Võ ngày càng thiếu thốn, thì những khoảng không gian ít ỏi còn lại vẫn bị “xà xẻo” làm nơi kinh doanh, trông xe và bán hàng. Tương tự, tại một số sân chung ở khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) cũng thường xuyên tấp nập các hàng quán. Người dân ở đây cho biết: Việc lấn chiếm không gian chung để sử dụng kinh doanh, trông xe đã xuất hiện nhiều năm nay. Tổ dân phố, chính quyền phường đã nhiều lần họp, yêu cầu, thậm chí cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm trả lại mặt bằng chung cho khu dân cư, thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, các hoạt động buôn bán và kinh doanh lại tiếp tục diễn ra.
Cần giải pháp đồng bộ
Trên địa bàn phường Thành Công hiện có gần 100 ngôi nhà tập thể, chung cư từ 2 đến 5 tầng với 26 sân chung (là khoảng đất nằm giữa 2 dãy nhà). Mặc dù phường có 2 khu chợ quy mô khá lớn, thế nhưng hầu hết các sân chung ở khu tập thể đều bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, họp chợ. Trước tình hình đó, từ đầu tháng 4-2017, UBND phường Thành Công đã thí điểm áp dụng mô hình quản lý, sử dụng sân chung giữa nhà B5 và B6. Theo đó UBND phường tiến hành giải tỏa, chấm dứt hoạt động kinh doanh tại khu vực sân chơi, sau đó xây tường rào quây xung quanh để chống chiếm dụng, lắp đặt thiết bị vui chơi phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc làm này bị người dân phản đối. Một số hộ dân ở tầng 1 nhà B5 cho rằng: Sân chung giữa nhà B5 và B6 trước đây đã được UBND quận Ba Đình xây dựng chợ tạm, nhưng sau đó người dân không đồng tình nên không thực hiện. Thêm vào đó, nhiều người đã ngang nhiên chiếm dụng sân để họp chợ, trông giữ xe, gây nên tình trạng lộn xộn ở khu vực. Từ đầu tháng 4-2017, UBND phường Thành Công đưa lực lượng đến giải tỏa các hộ kinh doanh và xây dựng tường rào bao quanh, phải chăng tiếp tục xây dựng chợ tạm? Ngoài ra, việc xây các bức tường là không cần thiết vì ảnh hưởng đến đi lại của người dân…
Theo ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công: Thực hiện Thông báo số 193/TB-UBND ngày 28-9-2016 của UBND quận Ba Đình, kết luận về công tác quản lý nhà nước các chợ trên địa bàn, UBND phường Thành Công đã ra Thông báo số 14/UBND “Chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh tại khu vực sân chung giữa nhà B5 và B6”. Ngoài việc tổ chức lực lượng chống tái lấn chiếm để kinh doanh, UBND phường đã kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng tường bao quanh (cao khoảng 50cm) tạo điều kiện quản lý dễ dàng, sau đó lát nền, lắp đặt ghế, thiết bị vui chơi, thể dục thể thao để tạo mỹ quan phục vụ người dân. UBND phường khẳng định không có việc xây dựng chợ tạm tại sân chung này. Hiện, một số người dân ở tầng 1 nhà B5 đề nghị không xây dựng bức tường vì họ muốn tận dụng khoảng trống trước nhà kinh doanh nên không thể vì mục đích riêng mà ảnh hưởng đến quyền lợi chung của người dân khu tập thể.
Không chỉ ở khu tập thể Thành Công, tại một số khu tập thể như: Phương Mai, Trung Tự (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy)… đã thực hiện cải tạo sân chơi như đổ bê tông, xây tường bao quanh, lắp bập bênh, ngựa quay, ghế đá..., phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Thế nhưng, sau đó do công tác quản lý không tốt, lợi dụng việc không có hàng rào bảo vệ, một số hộ dân đã chiếm dụng sân chơi làm nơi đun nấu, bán hàng ăn.
Để chống lấn chiếm sân khu tập thể, nếu không có các giải pháp đồng bộ như xây dựng tường rào, lắp đặt các trang thiết bị vui chơi, thể dục và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ khó đạt hiệu quả mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.