Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trả lại giá trị thực cho hệ tại chức

Khánh Vũ| 11/09/2012 05:33

(HNM) - Thêm tỉnh Quảng Nam mới đây chính thức từ chối tuyển cán bộ công chức tốt nghiệp hệ tại chức đã khiến các đơn vị đào tạo phải nhìn lại mình một cách nghiêm khắc. Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng không thể trì hoãn một số biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đối với hệ đào tạo này.


"Gậy ông đập lưng ông"


Trước Quảng Nam, hai năm trở lại đây, một vài địa phương khác đã "nói không" với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức cũng như các trường ngoài công lập. Nhiều ý kiến cho rằng, những quyết định này là "cực đoan", là "vơ đũa cả nắm". Dẫu vậy thì vẫn phải thừa nhận rằng các nhà tuyển dụng có cái lý của họ, khi chất lượng đào tạo của hệ không chính quy còn nhiều bất cập. Hạn chế này, theo lãnh đạo nhiều trường, trước hết là bởi hệ tại chức đã đi không đúng hướng ngay từ khâu tuyển đầu vào.


Một lớp học của sinh viên năm thứ 3 ngành Điện công nghiệp hệ tại chức tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Như Hùng

Theo ông Phạm Quang Tung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hệ đào tạo này có chất lượng kém là do chưa bảo đảm chất lượng đầu vào, trong đó chưa chú ý đến đối tượng chính là cán bộ - công chức muốn học để nâng cao chuyên môn. Hiện có không ít sinh viên tại chức là học sinh phổ thông thi trượt ĐH và hệ đào tạo này như là một con đường "lánh nạn" để họ vẫn đi tới đích là có bằng đại học. Trong khi lẽ ra, đào tạo tại chức thực sự có đối tượng người học rất đặc thù và các trường mở loại hình này cần bố trí giảng viên giàu kinh nghiệm và có phương pháp truyền đạt kiến thức linh hoạt.

Việc các trường ồ ạt mở hệ đào tạo tại chức cũng khiến đầu vào giảm chất lượng. Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Để bảo đảm chất lượng, nhà trường từng tự cắt giảm chỉ tiêu, tuyển đúng đối tượng, nhưng ngay lập tức, nhiều cơ sở liên kết đã vơ vét ngay nguồn thí sinh còn lại. Ông Đỗ Văn Xê cho rằng, chính các cơ sở đào tạo đã dễ dãi, tự đánh mất uy tín của mình để rồi bị xã hội từ chối chấp nhận "sản phẩm" của họ.

Cũng liên quan tới đối tượng học, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GD-ĐT có khảo sát cụ thể và quy định ngành nào được phép đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, ngành nào không được và ngành nào bắt buộc chỉ tuyển người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, đã có việc làm. Theo bà Mai Hồng Quỳ: Nếu quan niệm hình thức đào tạo vừa làm vừa học nhằm nâng cao trình độ cho người đã có việc làm, tạo nên môi trường học tập suốt đời, thì ở ngành luật nhất định học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng thi ĐH không đỗ sẽ không bao giờ vào được ngành luật. Bởi để tiếp thu tốt kiến thức luật, tối thiểu phải tốt nghiệp một chuyên ngành phù hợp trước đó.

Siết chặt quy trình đào tạo


Trước những ý kiến mang tính "tẩy chay" hệ tại chức, các nhà đào tạo vẫn khẳng định: Do điều kiện đặc thù tại một số địa phương, nếu không có hình thức đào tạo này thì nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước, phục vụ phát triển của địa phương sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Trên thực tế, nhiều tỉnh vẫn tiếp tục "đặt hàng" các trường đào tạo nguồn cán bộ bằng hình thức tại chức. Tuy nhiên, theo đại diện của nhiều trường, hệ này cũng phải có hình thức thi phù hợp và xét tuyển dựa vào khung điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định. Các trường có thể linh hoạt sử dụng kết quả thi ĐH của năm trước để xét. Ông Phạm Quang Tung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh tới việc siết chặt việc thi cử trong suốt quá trình đào tạo, sàng lọc nghiêm ngặt đầu ra. Ngoài ra, việc chọn đối tác liên kết là việc rất quan trọng nên ông Phạm Quang Tung đề nghị: Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm định chất lượng, cơ sở nào không đạt thì dứt khoát đóng cửa, không giao chỉ tiêu, không cho tuyển sinh hệ vừa làm vừa học. Giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Trần Văn Nam cũng kêu gọi: Đã đến lúc hình thức đào tạo vừa làm vừa học phải quay về đúng với đối tượng là người đã có việc làm và muốn học lên cao nữa và phải bảo đảm chuẩn đầu vào bằng thi tuyển theo hình thức riêng, hoặc quy định một hệ điểm cần thiết để chứng minh khả năng về kiến thức nền và năng lực tiếp thu kiến thức mới của người học.

Khẳng định, không có cơ sở để xóa bỏ hình thức đào tạo này vì vừa làm vừa học vẫn có vai trò và vị trí của nó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong tương lai, Bộ GD-ĐT sẽ giảm dần chỉ tiêu đối với hệ đào tạo tại chức, từ 50% so với hệ chính quy xuống khoảng 20%. Khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ năm 2013, các trường đại học được phân tầng, các trường ĐH định hướng nghiên cứu sẽ không được đào tạo hệ tại chức. Trước mắt, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ không khoán trắng việc tuyển sinh hệ tại chức cho các trường nữa và sẽ thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt. Cùng với đó, chương trình đào tạo phải bảo đảm thời lượng và khối lượng như đào tạo chính quy, không cắt xén, nhưng sẽ vẫn mềm dẻo, linh hoạt hơn trong phương pháp và cách thức đào tạo. Cuối cùng, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có quy định về chuẩn đầu ra của hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

Khép kín quy trình đào tạo một cách nghiêm ngặt, Bộ GD-ĐT mong muốn trả lại giá trị thực cho một hệ đào tạo không thể thiếu nếu muốn xây dựng một xã hội học tập theo phương châm học tập suốt đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả lại giá trị thực cho hệ tại chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.