Nhiều bạn trẻ vô tình vi phạm pháp luật, bị cơ quan công an bắt giữ do không ý thức được những phát ngôn của mình trên Facebook.
"Chém gió" ảo, hậu quả thật
Mới đây, trên Facebook xuất hiện hàng loạt tài khoản có tên Timur Zhunusov, tự nhận là thành viên IS - thủ phạm gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại Paris hôm 13/11.
Bên cạnh những tài khoản chia sẻ bài viết bằng tiếng Việt, một số khác còn dùng phần mềm dịch tự động, tạo ra thông điệp khiêu khích tiếng Ả Rập. Các màn giả mạo này nhanh chóng thu hút sự quan tâm, bình luận rất lớn từ phía cộng đồng mạng.
Sáng 19/11, Phòng cảnh sát công nghệ cao (PC50, Công an Hà Nội) đã phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an, truy tìm chủ tài khoản Facebook tung tin sai lệch về tổ chức khủng bố IS, gây hoang mang dư luận.
Nhiều tài khoản mạo danh thành viên IS xuất hiện trên mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh chụp màn hình.
Đây không phải trường hợp đầu tiên người dùng Facebook chịu hậu quả về việc lan truyền thông tin tự do, bừa bãi, thích thể hiện cái tôi cá nhân trên mạng xã hội.
Trước đó, tháng 8/2014, một phụ nữ tên Linh (29 tuổi) cùng chồng (31 tuổi) tung tin xuất hiện bệnh nhân nhiễm dịch Ebola, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trên nhóm Hội nuôi con bằng sữa mẹ - Việt Nam.
Sau 3 ngày chia sẻ thông tin, cặp vợ chồng này bị Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) triệu tập tới trụ sở để làm rõ hành vi phát tán thông tin sai sự thật về dịch bệnh Ebola trên mạng. Cả hai đã chịu mức phạt 20 triệu đồng cho hành vi của mình.
Tháng 2 năm nay, hai thanh niên tự xưng "cháu ông chú của Viettel" bị cơ quan chức năng bắt giữ với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau thời gian sử dụng Facebook làm công cụ lan truyền những tin nhắn khuyến mại nạp thẻ cào điện thoại từ mạng viễn thông này.
Giữa tháng 6, cơ quan công an Hà Nội cũng bắt giữ và xử phạt người phụ nữ tên Giang, chủ nhân một số nickname như Huyen Nguyen, Thánh Cô Cô Bóc, Tuyết Anh Trần… Trước đó, cô liên tục chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung bôi nhọ, xâm hại danh dự, nhân phẩm nhiều người, trong đó có các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành giải trí Việt.
Tranh cãi nảy lửa, hậu quả tác động nhiều người
Phát ngôn trên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau không chỉ dừng lại ở người trẻ tuổi. Vô hình chung, các hành vi này là một trong những nguyên nhân khiến dân mạng trở thành đối tượng bị soi xét, chú ý hơn bởi sự a dua, cổ súy theo phong trào.
Bên cạnh việc gây tranh cãi, hậu quả của những lời nói trên mạng còn gây ảnh hưởng tâm lý đến không ít người trong cuộc.
Mới đây nhất, hot girl Tú Linh và Quỳnh Anh Shyn từng tổn thương tinh thần do quyền tự do ngôn luận của nhiều người dùng Facebook.
Khoảng cách từ hành động trên mạng ảo tới ngoài đời thật là rất xa. Tuy nhiên, không phủ nhận được sự dễ dãi trên mạng sẽ gây ra vô số hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội bên ngoài. Facebook có chế độ ẩn danh, tự do làm điều mình thích, không có rào cản đã khiến các "anh hùng bàn phím" làm liều, bình luận thiếu suy nghĩ.
Trước tình trạng này, blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng: “Tôi đoán chủ nhân của những tài khoản mạo danh này còn ít tuổi, nhận thức của họ rất hạn chế. Bởi vậy, nhiều khi, họ chưa mường tượng được hậu quả bản thân gây ra”.
Là blogger theo dõi mảng truyền thông xã hội, anh Long bày tỏ sự tiếc nuối khi ngày càng có nhiều trường hợp phạm tội đáng tiếc trên Facebook chỉ vì thiếu hiểu biết.
Bất bình, khó hiểu về hành động của một số bạn trẻ hiện nay là cảm nhận của DJ Trang Moon.
Nữ DJ chia sẻ: “Mình rất đồng cảm với những ai thể hiện sự tiếc nuối, đau thương cùng người dân Pháp sau cuộc thảm sát vừa qua. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ đem việc đó ra làm trò đùa, gây nhiễu dư luận thì cần chấm dứt hành vi này và suy nghĩ kỹ về hậu quả gây ra. Chúng ta không nên vì những bất cẩn làm ảnh hưởng tới cả đất nước”.
Trước những hệ lụy của mạng xã hội, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng, có hành vi nhỏ nhưng đôi khi gây nên hậu quả lớn.
" Người sử dụng Facebook cần thông minh, tỉnh táo hơn. Chúng ta phải bản lĩnh và cân nhắc mỗi lời nói của mình trước khi phát ngôn ra ngoài" - ông nói.
Theo Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều bạn trẻ hiện cho rằng, thế giới ảo có thể tự do làm điều mình muốn. Tuy nhiên, thực chất thông tin đều có thể chia sẻ, lan truyền với tốc độ nhanh và rộng rãi.
Bà chia sẻ, tình trạng sống ảo, gây hậu lớn đã tiếp diễn một thời gian khá dài. "Nếu các biện pháp xử lý được áp dụng sớm thì có lẽ sự việc đáng tiếc không xảy ra. Tôi hoàn toàn ủng hộ mức án cao nhất đối với những thành viên sống ảo, lợi dụng gây chú ý như vậy…” - bà bày tỏ.
Ngày 17/11, đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an điện gửi thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc công an các tỉnh, thành phố... yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại Việt Nam.
Ngoài việc siết chặt mọi hoạt động tại các cảng hàng không, Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường lực lượng tập trung xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những người lợi dụng Internet, mạng xã hội đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng Hồi giáo cực đoan, xúc phạm đạo Hồi, khiêu khích hành động khủng bố, bạo lực cực đoan.
Điều này nhằm ngăn chặn những trường hợp sử dụng quyền tự do ngôn luận nhằm kích động tinh thần phần lớn cư dân Việt đang sử dụng mạng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.