Để triển khai mô hình “Trường học thông minh” Sở GDĐT TPHCM và Viettel TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Lễ ký kết triển khai SMAS giữa Sở GDĐT TPHCM và Viettel TPHCM. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, cho biết việc ứng dụng phần mềm Quản lý trường học (SMAS) sẽ là một trong những đổi mới về công tác quản lý và giảng dạy.
Tính vượt trội của phần mềm SMAS là đáp ứng được nhu cầu quản lý, tương tác của nhà trường, học sinh, phụ huynh và các cấp quản lý; tích hợp và đồng bộ hệ thống báo cáo của SMAS với hệ thống báo cáo của Bộ GDĐT.
Vì vậy, SMAS sẽ là công cụ quản lý, báo cáo xuyên suốt từ cấp trường đến cấp phòng, sở GDĐT. Đặc biệt, sau quá trình nâng cấp, chương trình SMAS có thể đồng bộ hóa với các chương trình phần mềm quản lý giáo dục theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT.
Đặc biệt, phần mềm còn tạo Sổ liên lạc điện tử, giúp phụ huynh kết nối trực tiếp với nhà trường và dễ dàng quản lý việc học tập của con em tại trường học thông qua hệ thống tin nhắn từ các đầu số của Viettel.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Viettel TPHCM, cho biết ngay từ năm 2009, Viettel TPHCM đã triển khai dự án Internet trường học cho 1.844 trường trên toàn địa bàn Thành phố.
Hiện nay, với mục tiêu triển khai mô hình “Trường học thông minh”, chương trình phần mềm Quản lý nhà trường SMAS 3.0 và Dịch vụ tin nhắn học đường - SMS Edu (bao gồm tin nhắn cho giáo viên và tin nhắn cho phụ huynh học sinh), Viettel sẽ nâng cấp đường truyền Internet cáp đồng (ADSL) của các trường thành Internet cáp quang (FTTH) tốc độ cao.
Trường học thông minh được hiểu là nơi chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, các thiết bị ứng dụng tiên tiến hiện đại để quản lý chương trình dạy, học và công tác quản lý.
Trường học thông minh sẽ được trang bị các thiết bị cơ sở hạ tầng công nghệ như: Hệ thống trung tâm dữ liệu DC, mạng học tập phổ quát, hệ thống quản lý học tập, trung tâm tài nguyên dạy và học, phòng học ngoại ngữ, phòng học đa phương tiện, phòng thực hành thí nghiệm…
Đặc biệt trong lớp học thông minh sẽ giúp quá trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc chuyển đổi mô hình giảng dạy. Thay đổi từ việc giảng dạy theo chủ đề khô cứng, máy móc sang những mô hình giảng dạy lớp học thông minh để phát huy năng khiếu của học sinh và kỹ năng của thầy cô giáo.
Từ mô hình trường học thông minh và lớp học thông minh, sẽ tạo ra môi trường linh hoạt và sáng tạo, từ đó học sinh học tập dưới sự hướng dẫn, gợi mở của thầy cô giáo và ngược lại bản thân các thầy cô cũng có thể học hỏi từ những sáng tạo, năng khiếu của học sinh, từ đó bổ sung thêm kỹ năng trong quá trình giảng dạy.
Như vậy, ở môi trường học thông minh học sinh và giáo viên sẽ tương tác, hỗ trợ nhau thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.