Theo dõi Báo Hànộimới trên

TPHCM: Điểm sáng trong bảo đảm an sinh xã hội

Tiến Thành| 09/11/2016 06:53

(HNM) - Qua 5 năm thực hiện, phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” tại TP Hồ Chí Minh đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân và trở thành điểm sáng của thành phố về bảo đảm an sinh xã hội.

Hiệu quả tích cực

Phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” được TP Hồ Chí Minh phát động vào năm 2011 nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phong trào hướng tới những việc làm cụ thể như tiết kiệm điện, tiết kiệm trong chi tiêu công, tiết kiệm trong tiêu dùng; tương trợ người nghèo, gia đình chính sách, tương trợ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...



Sau 5 năm thực hiện (2011-2016), 3,4 triệu lượt hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được 1,7 tỷ Kwh điện (ước tính gần 2.800 tỷ đồng), tiết kiệm được 10% chi phí hành chính công; triển khai hơn 3.300 điểm bán hàng bình ổn giá, hơn 140 nghìn chủ nhà trọ (tỷ lệ 93,66%) cam kết giữ nguyên giá, lấy đúng giá phòng trọ, hơn 3.400 cơ sở (tỷ lệ 96%) giữ trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình thực hiện không tăng giá giữ trẻ.

Đồng thời, Quỹ “Vì người nghèo” của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn này cũng đã tiếp nhận hơn 644 tỷ đồng, qua đó chi gần 640 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa hơn 700 nhà tình nghĩa, xây mới và sửa chữa chống dột trên 8.400 nhà tình thương, trao tặng hơn 100 nghìn suất học bổng, 1.900 phương tiện đi học cho học sinh; chăm lo cho gần 11 nghìn lượt công nhân, sinh viên, người lao động nghèo… tặng hơn 41 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người già neo đơn, trẻ khuyết tật…Vận động hơn 3.500 doanh nghiệp tăng lương và tăng khẩu phần ăn cho hơn 574 nghìn công nhân.

Đánh giá về quá trình thực hiện phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” sau 5 năm, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, những hoạt động trên đã góp phần chia sẻ, động viên, giúp cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo có hiệu quả thông qua việc tổ chức khảo sát hằng năm nhằm nắm bắt nhu cầu của người dân, nhất là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để từ đó đề ra những hỗ trợ, chăm lo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” luôn gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện.

Tiếp tục tiết kiệm chi tiêu công

Dù đã đạt được nhiều kết quả sau 5 năm thực hiện phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”, nhưng theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn vừa qua có thời điểm phong trào lắng xuống, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chưa ý thức tự giác thực hiện, vẫn còn tâm lý chuộng hàng ngoại, chưa ý thức việc ưu tiên dùng hàng trong nước sản xuất.

Ngoài ra, nguồn hàng tại một số điểm bán hàng tham gia bình ổn giá không phong phú, có những lúc không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của người dân, một số chủ nhà trọ cam kết hỗ trợ người thuê phòng nhưng khi đi kiểm tra lại chưa thực hiện. Những vấn đề này đã làm hạn chế hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của thành phố trong thời gian tới là ổn định chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân. Do đó, để phát huy kết quả của phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ” cần phải tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2020, trong đó chú ý giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện tốt, phát triển sâu rộng nâng tầm hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, đồng thời, trước tình hình khó khăn sắp tới, khi ngân sách để lại hằng năm của thành phố từ 23% giảm còn 18%, bà Thư nhấn mạnh việc tiết kiệm trong chi tiêu công và trong chi tiêu tiêu dùng để đầu tư phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X.

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trao tặng phương tiện làm ăn là hàng chục xe máy, xe bán hàng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM: Điểm sáng trong bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.