(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN)” do Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục An toàn thực phẩm (ATTP)-Bộ Y tế phối hợp với Báo Lao động tổ chức ngày 29-12.
Theo Cục ATTTP, hiện tại, hơn 60% số sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, hơn 30% còn lại được nhập khẩu. Nhu cầu sử dụng TPCN gia tăng rất nhanh và ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn. Theo khảo sát, số người sử dụng TPCN tại Hà Nội là 63% người trưởng thành, tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành. Do đây là mặt hàng lợi nhuận cao nên vi phạm ngày càng gia tăng và đáng lo ngại. “Ma trận” hàng nhái, hàng giả trên thị trường TPCN khiến người tiêu dùng thường xuyên rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”. Thậm chí, có không ít vụ người tiêu dùng phải nhập viện điều trị vì sử dụng phải TPCN giả.
Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, thống nhất về tính ưu việt, to lớn của TPCN trong hỗ trợ dự phòng bệnh tật, là xu thế ở nước ta và các nước trên thế giới nhất là các nước phát triển. Khoa học cũng đã chứng minh được hiệu quả to lớn trong dự phòng bệnh tật của TPCN. Ở Việt Nam có lợi thế là nền y học cổ truyền, có nhiều phương pháp chữa bệnh bằng đông y hết sức hiệu quả, có nguồn dược liệu phong phú, có điều kiện thuận lợi để phát triển đông y nói chung, trong đó có TPCN. Có nhiều DN đầu tư hàng trăm tỷ xây dựng các nhà máy hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu lớn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp một khoản thuế lớn cho nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có hàng chục văn bản từ đầu đến nay nhưng một số văn bản chứa phù hợp, đầy đủ với thực trạng quản lý hoạt động kinh doanh, sản xuất TPCN hiện nay, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ đặc biệt trong việc quản lý hoạt động nhập lậu dẫn đến tình trạng một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm quảng cáo quá mức đưa ra thị trường ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe NTD, gây bức xúc trong xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, một số đối tượng nhập lậu, tuồn hàng qua biên giới, quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của TPCN. Thậm chí, một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, vẫn tổ chức in ấn phát hành nội dung quảng cáo chưa được thẩm định hoặc khác so với nội dung được cho phép ban đầu.
Trong năm 2015, chỉ tính riêng Cục ATTP đã phát hiện vi phạm và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt lên tới trên 4,5 tỷ đồng. Còn riêng 3 tháng (từ 15-7 đến 15-10), Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN đã phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 22 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường nhận thấy, các mặt hàng TPCN vi phạm chất lượng chủ yếu tập trung vào các nhãn hàng dành cho xương khớp, giảm cân và tăng cường sinh lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.