(HNM) - Triều cường năm sau cao hơn năm trước, lượng mưa tăng và nắng nóng ngày càng gay gắt… những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiển hiện rõ ràng. TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình nhằm thích ứng với hiện tượng này…
Tám lĩnh vực ưu tiên giai đoạn 2011-2015
Tại buổi lễ công bố khởi động chương trình "Tiến ra phía biển nhằm thích ứng với BĐKH" ngày 25-11 vừa qua, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho biết, với dự án vừa ký kết, có sự trợ giúp của các chuyên gia Hà Lan, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng chiến lược tiến ra biển trên cơ sở rà soát lại tất cả các quy hoạch của TP hiện nay, phân tích điểm mạnh - yếu để vạch ra các công việc cần làm. Dự kiến việc này kéo dài 18 tháng, với kinh phí một triệu euro.
Để tiến ra hướng biển, TP Hồ Chí Minh phải giải quyết vấn đề úng ngập do mưa và triều cường. Ảnh: Thùy Linh |
Theo ông Đào Anh Kiệt, thời gian qua các sở, ngành của TP đều đã thành lập tổ ứng phó với BĐKH. Dựa trên nhiều yếu tố như đánh giá tác động của BĐKH, tính dễ tổn thương và khả năng ứng phó trên từng lĩnh vực cụ thể, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (BCĐ) cũng đã xác định 8 lĩnh vực cần tập trung ưu tiên là: quy hoạch đô thị, nước, năng lượng, nông nghiệp, chất thải, tuyên truyền và nâng cao năng lực, sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc phòng. Dự kiến, tổng nguồn kinh phí ước tính cho toàn bộ các nhiệm vụ, chương trình, dự án ứng phó BĐKH trong giai đoạn 2011-2015 là 25.912,696 tỷ đồng; trong đó kinh phí phân bổ cho nghiên cứu khoa học, đánh giá, tạo cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH gần 152 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,6%), công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách là hơn 109 tỷ đồng (khoảng 0,4%). Quan trọng nhất là triển khai chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình ứng phó với BĐKH chiếm hơn 25.600 tỷ đồng (khoảng 99%). Hiện có 16 nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được phê duyệt chủ trương, bố trí nguồn vốn với tổng kinh phí gần 10.600 tỷ đồng (chiếm 41%).
Thách thức lớn
Theo quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển không gian của TP gồm 4 hướng; trong đó 2 hướng phát triển chính là hướng Nam tiến ra biển và hướng Đông - Đông Bắc; 2 hướng phụ về hướng Bắc - Tây Bắc và Tây - Tây Nam.
Phát triển ra phía biển Đông để tận dụng kinh tế biển là lợi thế không phải nơi nào cũng có được, do TP có hàng trăm kilômét đường sông, có luồng tàu biển Soài Rạp nối hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước thông thương ra biển Đông, có hệ thống kênh rạch chằng chịt… thuận lợi cho giao thông thủy. Khoảng 80% lượng container đến Việt Nam cập hệ thống thương cảng của TP; đồng thời hàng nông sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu ra nước ngoài cũng thông qua các cảng biển của TP, đó là những minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kinh tế mà cảng biển mang lại cho TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tiến ra biển trong điều kiện BĐKH đang hiện hữu là một thách thức lớn. TP Hồ Chí Minh lại là một trong 10 TP bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH (nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD). Kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam do Bộ TN&MT công bố tháng 6-2009 cũng dự báo, với mực nước biển dâng 65cm thì diện tích ngập ở TP Hồ Chí Minh rộng khoảng 128km2 (6,3%); dâng 75cm diện tích ngập khoảng 204km2 (10%) và nếu mực nước biển dâng 100cm sẽ nhấn chìm 473km2 (23%). Trong khi đó, vào cuối tháng 11-2009, triều cường đạt đỉnh trong vòng 50 năm qua là 1,57m. Mức triều lịch sử này đã lặp lại vào tháng 10-2011 và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ còn dự báo triều có khả năng đạt đến 1,6m trong năm nay.
Để ứng phó với BĐKH khi phát triển về vùng trũng, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch cao độ xây dựng khu đô thị mới từ 2m đến 2,5m; các dự án chống ngập cũng đang được triển khai và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đã được khởi động. Theo kế hoạch này, đến năm 2025 TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành các công trình cơ bản ứng phó với BĐKH để tiến ra biển. Ông Đào Anh Kiệt khẳng định, vì chương trình phát triển tiến ra biển của TP có tầm nhìn 100 năm nên khi các công trình cơ bản hoàn thành chắc chắn sẽ giảm các tác động tiêu cực của BĐKH để TP Hồ Chí Minh vững bước phát triển kinh tế về hướng biển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.