Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp bền vững thu hút nhân tài

Nguyễn Lê| 12/03/2018 07:35

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang xây dựng

Không chỉ kêu gọi suông...

Mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ lao động sáng tạo trẻ đã được đào tạo, rèn luyện trong môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý nhà nước của thành phố.

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng nhiều chính sách thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Thu Dịu


Đề án sẽ được triển khai và áp dụng tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Các chuyên gia được thu hút, tuyển chọn sẽ được ký kết hợp đồng lao động sau khi trúng tuyển, được bố trí, phân công công tác và tạo điều kiện làm việc.

Thành phố sẽ trợ cấp ban đầu là 100 triệu đồng với người có trình độ tiến sĩ trở lên; người có trình độ thạc sĩ và tương đương loại giỏi, loại xuất sắc tốt nghiệp từ cơ sở giáo dục nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ và có ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền công nhận; hoặc người có trình độ thạc sĩ loại xuất sắc ở trong nước, có từ 2 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành ISI quốc tế uy tín và tương đương trở lên. Đối với các trường hợp còn lại được hưởng mức trợ cấp ban đầu là 80 triệu đồng.

Về tiền lương hằng tháng, chuyên gia, trí thức được hưởng mức trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng sẽ được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4). Những trường hợp được hưởng mức trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng được hưởng bậc 1 (hệ số 8,8). Bên cạnh đó, chuyên gia, trí thức còn được hưởng các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chính sách hỗ trợ về nhà ở và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cùng một số chính sách ưu đãi khác.

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng thành phố chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thành phố thông minh thì phải có "con người thông minh”. Vì vậy, người tài có vai trò rất lớn để thành phố thực hiện mục tiêu này. Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã “đột phá" trong việc bổ nhiệm một số trưởng ban, ngành của thành phố không theo quy trình truyền thống; chọn người có năng lực, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực chuyên môn cho thấy đây là những tín hiệu tích cực, chủ trương thu hút người tài của TP Hồ Chí Minh không chỉ là lời kêu gọi suông, mà đã thật sự “tiếp nhận” những người có năng lực vào những cơ quan quan trọng.

Tăng thu nhập là chưa đủ

Trước đây, chỉ những Việt kiều “có tuổi” mới có xu hướng về Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh để sống và làm việc. Những năm gần đây, người trẻ, người giỏi được đào tạo tại các trường danh tiếng ở nước ngoài cũng có xu hướng về lại quê hương để làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, hiện thành phố mới huy động được khoảng 300 - 400 người trong tổng số 400.000 trí thức kiều bào về làm việc, chủ yếu là làm cho doanh nghiệp, trường đại học, hầu như rất ít vào cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, đề án trên lập tức thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các chuyên gia, trí thức.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng: Đề án chỉ "xoáy" vào tài chính là chưa đủ. Các chuyên gia, nhà khoa học có thể cần tài chính nhưng đó không phải yếu tố quyết định. Họ cần một môi trường làm việc được đãi ngộ xứng đáng với năng lực để tận tâm cống hiến chứ không phải ưu tiên mấy triệu đồng. Các cơ chế, chính sách hiện tại của thành phố chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng thành quả cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng quan điểm, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, vấn đề quan trọng nhất là tạo môi trường làm việc tốt, hạn chế sự ràng buộc đối với các nhà khoa học, chuyên gia. "Lâu nay chúng ta nói trải thảm đỏ mời người tài, nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi, các thủ tục hành chính rườm rà là những "cây đinh" khiến người tài lo sợ. Chúng ta cần người tài, người tài cũng muốn cống hiến, vì vậy phải có sự thương lượng để tìm tiếng nói chung giữa cái ta cần và cái người tài có”, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia giáo dục, đề án chỉ nhắm vào những nhân tài có sẵn chứ chưa đề cập đến việc đào tạo, nuôi dưỡng... Vì thế, thành phố cần phải đầu tư “ươm mầm” và chọn lọc người tài ngay trên ghế nhà trường, đây mới là giải pháp bền vững cho cả hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp bền vững thu hút nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.