(HNM) - Viện Khoa học Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa công bố kết quả khảo sát về thị trường lao động tại 3.500 hộ gia đình ở TP Hồ Chí Minh cho thấy tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở mức thấp nhưng thiếu hụt lao động đang trở nên báo động.
Kết quả khảo sát cho thấy, người lao động sống tại TP Hồ Chí Minh có mức lương bình quân cao nhất nước. Cụ thể, gần 4,1 triệu đồng/người/tháng (bình quân cả nước là 2,9 triệu đồng/người/tháng). Lao động có chuyên môn kỹ thuật, có trình độ trên đại học có mức lương bình quân cao nhất khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Lao động chưa qua đào tạo có mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Thiếu hụt lao động đang là bài toán khó trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh. |
Ngoài những bất cập trong cung- cầu lao động ở thị trường sôi động và phát triển nhất cả nước này, còn nảy sinh nhiều vấn đề khác như tỷ lệ người lao động không biết đọc, biết viết là 1,5%, số lao động chưa tốt nghiệp tiểu học là 7%, số lao động chưa tốt nghiệp PTCS là 25% (trong tổng số 3,8 triệu lao động đang có việc làm). Đây thực sự là một thách thức lớn cho việc tiếp cận cơ hội đào tạo chuyên môn kỹ thuật. TP Hồ Chí Minh có 15% dân nhập cư (đông nhất trong cả nước). Thu nhập bình quân của lao động nhập cư là 4,2 triệu đồng chỉ thấp hơn 100.000 đồng so với lao động là dân định cư. Lao động nhập cư là những người làm nghề tự do có thu nhập 5,3 triệu đồng/tháng và chủ cơ sở có thuê lao động thu nhập 21 triệu đồng/tháng lại cao hơn so với người dân định cư, tương đương là 4,4 triệu đồng và 12,6 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Huyền Lê, Viện Khoa học Lao động và xã hội cho biết, số lao động thất nghiệp hiện nay vẫn ở mức thấp. Cụ thể tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 1,24%, khá thấp so với tiêu chuẩn ban đầu là 4,58 % và tập trung nhiều ở nhóm lao động trẻ, từ 15 đến 24 tuổi. Lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm 1,83% và nhóm có trình độ cao từ đại học trở lên là 1,31%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nam lại thất nghiệp nhiều gấp hai lần so với lao động nữ. Tỷ lệ thiếu việc làm ở thành phố này cũng rất thấp, chiếm 0,3% trong đó lao động nữ thiếu việc làm hơn lao động nam, chiếm 0,5%. Theo một kết quả khảo sát gần đây, có tới 52% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động được đào tạo đúng ngành nghề và rất khó tuyển dụng nhân lực có trình độ cao sau khi nâng cao công nghệ và đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Có 23% doanh nghiệp cho biết các kỹ năng của người lao động được đào tạo bị lệch so với kỹ năng mà thị trường cần và 35% doanh nghiệp cho rằng kỹ năng nghề của người lao động chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp
Theo đánh giá của Viện Khoa học Lao động và xã hội tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động là rất thấp nhưng sự thiếu hụt lao động ở nhiều cấp độ, ngành nghề đã khiến không ít doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, các vị trí quản lý, kỹ sư, thợ thủ công và lao động thủ công thiếu ở mức cao nhất. Nguyên nhân đưa ra là tình trạng người lao động "nhảy việc" trở nên phổ biến. Tình trạng người lao động chủ động bỏ việc do đòi hỏi một công việc có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn… cũng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khi người có trình độ cứ lần lượt ra đi. Điều này hoàn toàn phù hợp với một nghiên cứu về thị trường lao động TP Hồ Chí Minh của Tập đoàn Manpower (tập đoàn chuyên về tuyển dụng việc làm) mới đây. Các doanh nghiệp thường thiếu hụt lao động tại 4/6 nhóm ngành nghề chính gồm: Quản lý, kỹ sư, lao động phổ thông và thợ thủ công. Hai nhóm ngành còn lại thiếu hụt ở mức độ nhẹ và trung bình là dịch vụ khách hàng và kỹ thuật viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.