(HNMO) - Ngày 1-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo ý kiến của các đại biểu, tên Dự thảo đề án cần được mở rộng và bao quát trên nhiều lĩnh vực, không riêng gì nước thải công nghiệp, để công tác bảo vệ môi trường thành phố đạt nhiều hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đề án còn nêu chung chung, cần bổ sung chi tiết từng vấn đề như: Xác định rõ các đối tượng cụ thể; đưa ra mức phí phù hợp cho từng loại đối tượng; cách thức tổ chức thu để đảm bảo minh bạch nguồn phí, lộ trình thực hiện… Dự thảo khi thực hiện không nhằm mục đích tăng thêm nguồn thu mà nhằm điều chỉnh hành vi, ý thức từng cá nhân, đơn vị doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh.
Kênh Ba Bò (chạy qua TP Hồ Chí Minh và Bình Dương) dù được đầu tư kinh phí lớn để xử lý nguồn nước nhưng hiện vẫn rất ô nhiễm. |
Sau Hội nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các ý kiến và trình UBND thành phố xem xét. Theo kế hoạch, Dự thảo đề án hoàn chỉnh sẽ được UBND thành phố đưa ra bàn luận tại Kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm). Mỗi năm, thành phố thu 8 tỷ đồng. Thế nhưng, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp.
Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m3/ngày đêm. Khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến thành phố sẽ thu được 60 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí thu tăng thêm sẽ đóng góp vào ngân sách thành phố, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.