Y tế

TP Hồ Chí Minh: Không phối hợp liên ngành sẽ khó quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Thu Hoài 13/06/2024 - 23:45

Thành phố Hồ Chí Minh đang có hơn 7.000 cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do nhiều bên cấp phép. Tuy nhiên, các cơ sở vi phạm khi hoạt động ngày càng nhiều, gây nguy hiểm cho người bệnh, đòi hỏi sớm có cơ chế phối hợp hậu kiểm sau cấp giấy phép để công tác quản lý hiệu quả hơn.

a138.png
Phòng khám đa khoa Tân Bình vẫn lén lút hoạt động trong thời gian bị đình chỉ do sai phạm. Ảnh: NN

“Bát nháo” dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Ngày 11-6 vừa qua, thông qua tin báo của người dân, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tân Bình tại địa chỉ số 495 đường Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình và phát hiện nhiều bất thường. Đây là cơ sở khám, chữa bệnh đã bị đình chỉ hoạt động từ cuối năm 2023 đến nay do vi phạm các quy định trong hành nghề khám, chữa bệnh.

Khi đoàn kiểm tra có mặt, nhiều người đã rời khỏi phòng khám này. Tại hiện trường còn lưu giữ tài liệu ghi chép về 3 hồ sơ bệnh nhân đang khám bệnh; 9 hồ sơ bệnh nhân khám và điều trị (không có thông tin bác sĩ khám, chữa bệnh).

Khi Thanh tra Y tế mời đại diện chính quyền và Công an phường sở tại đến làm việc, 13 người có mặt tại phòng khám không cung cấp thông tin cần thiết và chối bỏ sự liên quan của mình đến những vấn đề trên. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ, xử lý.

a139.jpg
Cùng một địa chỉ, tồn tại nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe, do nhiều bên cấp phép. Ảnh: NN

Việc cơ sở khám, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn lén lút nhận và điều trị cho bệnh nhân như tại Phòng khám đa khoa Tân Bình không quá hiếm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đáng nói hơn, còn có trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh tại một địa chỉ cụ thể bị tạm đình chỉ hoạt động để điều tra, xử lý sai phạm, chủ đầu tư lại mở một cơ sở mang tên khác, nhưng vẫn ở địa chỉ cũ, để “lách luật” hoạt động.

Điển hình, tháng 4-2024, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Phòng Y tế và Công an quận 3 kiểm tra cơ sở mang tên “Viện Thẩm mỹ Phương Đông” thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn HAMI GROUP tại địa chỉ số 72D đường Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu.

Chủ hộ kinh doanh là bà V.T.H.A được UBND quận 3 cấp Giấy đăng ký kinh doanh mang tên “Phương Đông Internatinal Clinic”, ngành nghề “Dịch vụ tắm hơi, massage, chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu...”. Tại đây, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện một số sai phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng cả Công ty HAMI GROUP và chủ hộ kinh doanh đều không hợp tác, đến nay vẫn chưa nộp phạt.

Khi việc cũ chưa được giải quyết, ngày 11-6, cơ quan chức năng lại phát hiện tại địa chỉ trên xuất hiện bảng hiệu “Công ty TNHH LOUIS CLINIC", được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 5-6-2024, ngành nghề kinh doanh là “Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe; quảng cáo…”.

Như vậy, có dấu hiệu tại cùng một địa chỉ, các cơ sở liên tục thay đổi chủ sở hữu, cùng kinh doanh ngành nghề và liên tục sai phạm khi “lấn sân” sang lĩnh vực y tế mà không có bất cứ giấy phép nào do Sở Y tế cấp, thách thức sự quản lý của cơ quan chức năng.

Cần phối hợp quản lý chặt chẽ hơn

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2024, toàn thành phố có hơn 7.000 cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng do UBND cấp huyện cấp giấy phép hoạt động, quy mô hộ kinh doanh. Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da…, thường là doanh nghiệp, do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh. Nhóm 3 là những cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, do Sở Y tế cấp giấy phép và quản lý.

a140.jpg
Nhiều cơ sở có dấu hiệu vi phạm khi hoạt động, nhưng nếu đoàn kiểm tra liên ngành không bắt quả tang, cũng khó xử lý. Ảnh: NN

Trong số này, ngành Y tế chỉ quản lý khoảng 15%. Tuy nhiên, ở 2 loại hình kinh doanh còn lại, nhiều chủ cơ sở vẫn lén lút “lấn sân” sang lĩnh vực y tế, sử dụng thuốc gây tê và can thiệp cơ thể bệnh nhân dưới nhiều hình thức. Có trường hợp đã dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ Phan Phương Nam (Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Việc cơ quan quản lý đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép kinh doanh là nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất cần có sự phối hợp giữa các bên trong tăng cường hậu kiểm sau cấp giấy phép, để quản lý tốt hơn hoạt động của các cơ sở này.

Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như thông tin, với những cơ sở không do ngành Y tế quản lý, thường phải chờ đến khi nắm rõ sai phạm, mới có thể hình thành đoàn kiểm tra liên ngành (công an, chính quyền địa phương…) để kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên,nếu không bắt quả tang vi phạm, lực lượng chức năng cũng sẽ khó xử lý.

Về phần mình, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh mong người dân, cơ sở giúp phát hiện dấu hiệu vi phạm, báo tin qua đường dây nóng 0989.401.155, hoặc phản ánh thông tin qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh để Thanh tra Sở Y tế kịp thời làm rõ và xử lý theo quy định.

a142.jpg
Một đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hồ Chí Minh bắt quả tang, xử lý một cơ sở chăm sóc sức khỏe có vi phạm khi hoạt động. Ảnh: NN

"Sở Y tế cũng đang phối hợp UBND cấp huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường quản lý địa bàn, hậu kiểm sau cấp giấy phép hoạt động. Với những sai phạm nghiêm trọng, Thanh tra Y tế đang củng cố hồ sơ, chuyển Cơ quan điều tra Công an thành phố xem xét xử lý hình sự”, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Không phối hợp liên ngành sẽ khó quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.