(HNM) - TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đề án phát triển vận tải hành khách đường thủy nhằm chia sẻ gánh nặng cho đường bộ, giúp kết nối với các loại hình giao thông, phát triển du lịch, kinh tế liên vùng. Tuy nhiên, loại hình vận tải này vẫn phát triển
Nhiều cái khó...
Theo thống kê của Phòng Quản lý giao thông thủy (thuộc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh), hiện thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy với chiều dài gần 1.000km gồm: 7 tuyến hàng hải dài gần 160km; 9 tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài hơn 200km và 94 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài hơn 610km. Với tiềm năng và lợi thế như trên nhưng đến nay hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy và du lịch đường sông chỉ mới đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở để phát triển.
Các tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy tại TP Hồ Chí Minh phát triển chưa xứng với tiềm năng. |
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy cho hay, thực tế chính quyền TP Hồ Chí Minh đã duyệt đề án phát triển 5 tuyến du lịch đường thủy gồm: Tuyến Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) đến chùa Long Hoa (quận 8); tuyến Công viên bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh); tuyến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến khu di tích địa đạo Bến Dược (huyện Củ Chi); tuyến Công viên bến Bạch Đằng đi trên sông Sài Gòn đến chùa Hội Sơn (quận 9) và tuyến bến đò Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đi trên sông Nhà Bè đến khu sinh quyển huyện Cần Giờ.
Thành phố còn dự kiến đưa vào hoạt động 2 tuyến buýt trên sông gồm tuyến số 1 (Bạch Đằng - Thủ Đức) dài gần 11km, với 7 bến dừng thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài hơn 10km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua các quận 1, 4, 5, 6 và 8. Trong giai đoạn đầu sẽ trang bị 10 tàu với sức chở tối thiểu 60 chỗ, thời gian di chuyển khoảng 30 phút/chuyến, ước tính vận chuyển khoảng 5.000 khách/ngày/2 tuyến.
Tuy vậy, quy hoạch phát triển 5 tuyến du lịch vẫn nằm trên quy hoạch. Còn buýt đường sông thì phải đến tháng 6 tới, Sở GT-VT thành phố mới đưa vào hoạt động tuyến buýt số 1 từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Thủ Đức. Tuyến số 2 từ bến Bạch Đằng đi quận 8 (dự kiến vào tháng 9) đang gặp vướng mắc do dự án xây dựng cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đang thi công, cấm tàu, thuyền đi qua.
Nguyên nhân chậm phát huy lợi thế, ông Bằng cho hay, mặc dù 11 bến thủy nội địa (cầu tàu, nhà chờ, bến đỗ) trên địa bàn thành phố vừa hoàn thành cải tạo (thực hiện từ năm 2013) và đưa vào sử dụng đầu năm 2017, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng các công trình giao thông thủy như cầu cảng, cầu phao, bến cảng, bến sông, bến phà… và phương tiện vận tải thủy nội địa chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống tĩnh không các công trình trên một số tuyến đường thủy trọng điểm không bảo đảm.
Tạo cơ chế mở
Theo lãnh đạo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2017-2020, để phát triển hệ thống giao thông thủy, chính quyền TP Hồ Chí Minh dự tính sẽ bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển mạng lưới đường thủy. Đồng thời sẽ ưu tiên thực hiện đầu tư các dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Dự kiến thì trước hết thành phố sẽ đầu tư nâng cấp luồng sông Sài Gòn với dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, nhằm đáp ứng tĩnh không thông thuyền cho việc phát triển.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi Đồng Nai, Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây. Cụ thể, nạo vét, khai thông các tuyến nối sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (trong đó kết hợp nâng các cầu đạt tĩnh không theo quy định) đến các cảng khu vực Cát Lái (nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) như: Tuyến Rạch Chiếc, Trao Trảo, Ông Nhiêu, sông Tắc…, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đầu tư các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy theo hình thức PPP. Cụ thể, năm 2017 sẽ đưa vào hoạt động 2 tuyến buýt đường sông, từ quận 1 đi quận 8 và Thủ Đức, với tổng kinh phí đầu tư 125 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở GT-VT cùng đơn vị liên quan, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông thủy, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, các bến thủy hoạt động trái phép...
Để hiện thực hóa kế hoạch đề ra cũng như phát triển mạnh mẽ các tuyến đường thủy thời gian tới, theo các chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông, trước hết, TP Hồ Chí Minh cần chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư của xã hội với nhiều hình thức thu hút, cơ chế thông thoáng và linh hoạt hơn. Đây cũng là cách xóa bỏ băn khoăn lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư là bỏ tiền cho phát triển các tuyến đường thủy nội địa cần nguồn vốn lớn mà khả năng thu hồi thì rất khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.