(HNMO) - Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa gửi UBND TP tờ trình báo cáo nghiên cứu khả thi về việc đầu tư 2 tuyến vận tải vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, theo hình thức Hợp đồng “Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh” (gọi tắt là BOO). Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 124 tỷ đồng.
Theo đó, phạm vi dự án là khu vực thuộc vùng nội đô trung tâm thành phố, đi qua các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.
Về quy mô đầu tư, đối với hướng tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), dài khoảng 10,8 km. Lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.
TP Hồ Chí Minh sẽ có tuyến buýt đường thủy trong thời gian tới. |
Hướng tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), dài khoảng 10,3 km. Lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm và ngược lại.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng bến đối với Khu bến Trung tâm sẽ có diện tích 3,14 ha tại quận Thủ Đức. Cụ thể, xây dựng các hạng mục công trình chính gồm: 1 bến đón trả khách, 1 bến bảo dưỡng tàu thuyền, và các bến neo đậu tàu thuyền; Khu vận hành bảo dưỡng phương tiện, neo đậu tập kết phương tiện về đêm; Khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.
Ở hai bến đầu cuối là bến Linh Đông và bến Lò Gốm sẽ xây dựng một số vị trí đậu đỗ tàu phục vụ vận hành trên tuyến; Xây dựng kiốt kinh doanh thương mại dịch vụ và nhà vệ sinh. Xây dựng 6 bến, kiốt kinh doanh thương mại dịch vụ và nhà vệ sinh trên tuyến số 1; Xây dựng 7 bến, kiôt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh trên tuyến số 2.
Riêng bến Bạch Đằng, nhà đầu tư sẽ sử dụng bến do thành phố quy hoạch và xây dựng tại khu Bạch Đằng để làm bến đậu đỗ đón trả khách.
Giai đoạn từ nay đến 2020, quy mô đầu tư 10 phương tiện có sức chứa 60 chỗ cho tuyến số 1 và 30 chỗ cho tuyến số 2; Giai đoạn tiếp theo đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 124 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp sử dụng vốn tự có tương ứng khoảng 20%; Thuê mua tài chính và tín dụng là 80%. Ở giai đoạn sau, doanh nghiệp sẽ sử dụng lợi nhuận thu được và các khoản tích lũy để tiếp tục đầu tư và tái đầu tư phương tiện. Dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành năm 2016.
Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố được thuận lợi hơn; góp phần phát triển lĩnh vực vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.