Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Hạ độ cao đường Kinh Dương Vương để “cứu” người dân

Hà Phạm| 06/09/2016 15:37

(HNMO) - Hạ độ cao và vỉa hè 35cm để giảm ảnh hưởng đến nhà dân, tạo thuận lợi cho các hộ dân dọc tuyến trong sinh hoạt, buôn bán, mỹ quan đô thị được cải thiện.


Sáng ngày 6-9, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp bàn đưa ra phương án chống ngập đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) với lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) cho biết, Trung tâm chống ngập đề xuất 4 phương án hạ cao độ vỉa hè dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương để lấy ý kiến từ người dân.

Theo đó, phương án 1 sẽ hạ cao độ vỉa hè 10cm, khi đó, cao độ thiết kế tại tim đường là 2m, cao độ mép đường hơn 1,7m và cao độ vỉa hè sát nhà dân 1,9m (giảm 10cm). Phương án 2 sẽ hạ cao độ vỉa hè 35cm, khi đó chỉ có cao độ vỉa hè sát nhà dân giảm xuống còn 1,65m. Phương án 3 hạ cao độ vỉa hè 60cm, khi đó cao độ vỉa hè sát nhà dân chỉ còn 1,4m. Phương án 4 hạ cao độ vỉa hè 35cm, đồng thời hạ độ tim đường xuống 25cm thì cao độ thiết kế tại tim đường là 1,75m; cao độ mép đường 1,46m và cao độ vỉa hè sát nhà dân 1,65m. Đồng thời, phương án bổ sung là hạ cao độ vỉa hè 60cm thì khi đó cao độ vỉa hè sát nhà dân chỉ còn 1,4m.

Đánh giá về 4 phương án trên, đơn vị tư vấn thiết kế cho hay, phương án 1 không có khả năng tái ngập khi mưa lớn kết hợp triều cường, tuy nhiên lại phải đắp cao trước nhà dân; phương án 2 gây khó khăn trong buôn bán, sinh hoạt và mất mỹ quan đô thị; phương án 3 khi hạ cao độ vỉa hè xuống còn 1,4m sẽ chấp nhận phải tái ngập khi mưa lớn kết hợp triều cường; phương án 4 cũng gây khó khăn tương tự.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập cho rằng, dự án đường Kinh Dương Vương giải pháp căng cơ vừa thoát nước mưa, vừa kiểm soát triều, trong đó có khu vực quận Bình Tân. Trung tâm chống ngập đã mời các chuyên gia để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo cho cuộc sống của người dân. Sau khi đề xuất, lấy ý kiến của địa phương và Sở GT-VT, Trung tâm chống ngập đã chọn phương án 2 hạ độ cao và vỉa hè 35cm để giảm ảnh hưởng đến nhà dân.

Đại diện UBND quận Bình Tân cho biết, mục đích của người dân là mong muốn phương án thi công ít ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh và buôn bán. UBND quận Bình Tân kiến nghị UBND thành phố hỗ trợ thiệt hại cho người dân, quận đã xây dựng khung chính sách và đã trình lên thành phố.

Bụi tung mù mịt trên đường Kinh Dương Vương khiến người dân sống dọc tuyến đường rất khổ sở.


Sau khi nghe báo cáo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa nêu rõ, đây là dự án liên quan mật thiết đến người dân và giải quyết tình trạng ngập nước cũng như giao thông trên tuyến đường Kinh Dương Vương. Do đó, về mặt kỹ thuật đồng ý với phương án (đoạn chính giữa) hạ cao độ và vỉa hè xuống còn 35 cm, về 2 đoạn còn lại đã được sự đồng thuận của người dân nên vẫn giữ nguyên.

Từ đó, ông Khoa yêu cầu trong quá trình thi công phải đảm bảo về mặt kỹ thuật để đảm bảo tuyến đường không bị ngập nước, không ảnh hưởng đến đời sống người dân và đây cũng được xem là tuyến giao thông huyết mạch lưu thông về các tỉnh miền Tây.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng đồng thuận với phương án trang bị trạm bơm để phục vụ cho người dân trên tuyến đường Kinh Dương Vương và 44 tuyến hẻm của quận Bình Tân. UBND thành phố giao cho Sở GT-VT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Trung tâm chống ngập triển khai để đảm bảo đúng quy định. Nếu không đạt được yêu cầu sẽ phải chịu trách nhiệm.

Về việc chia sẻ khó khăn với người dân, UBND thành phố sẽ xem xét hỗ trợ với người dân ở trong khu vực.

Trước đó, việc nâng đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) đã khiến các hộ dân dọc hai bên tuyến đường biến thành hầm, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của nhiều người.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5km, rộng 48m, với tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2m đã dẫn đến nhà ở và công trình xây dựng dọc tuyến đường thấp hơn vỉa hè từ 0,6 đến 1m, làm ảnh hưởng đến 466 căn nhà; 1 bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Hạ độ cao đường Kinh Dương Vương để “cứu” người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.