Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Gần 4.000 vé tàu được bán ra trong dịp 30-4

Hà Tuấn| 14/04/2016 11:01

(HNMO) – Ngày 14-4, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) thông tin, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, lượng khách đi lại chủ yếu vào các ngày từ 15 đến 17-4. Đồng thời, ngành đường sắt tổ chức chạy 8 đôi tàu, lượng khách đi lại dự kiến tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Gần 4.000 vé tàu được bán ra phục vụ hành khách đi lại dịp 30-4.


Riêng dịp Lễ 30-4 và 1-5, hành khách đi lại chủ yếu đến các địa danh như Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Quảng Ngãi, dự kiến nhiều nhất vào ngày đi 29-4 và ngày về 2-5.

Hiện ga Sài Gòn đã bán ra gần 4.000 vé tàu trong ngày 29-4 và đã hết chỗ. Tất cả khách đi tàu sẽ lên ga Sài Gòn, đến ga Sóng Thần (Bình Dương) và sau đó, trung chuyển đến ga Biên Hòa (Đồng Nai) để tiếp tục hành trình.

Trước đó, chiều 13-4, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức họp báo thông tin về việc thí điểm tổ chức chạy tàu ngoại ô Sài Gòn – Dĩ An (Bình Dương) và ngược lại.

Theo đó, kể từ ngày 15-4, tuyến chính thức đi vào hoạt động và thời gian phục vụ hành khách đi lại sẽ từ 2h55 sáng đến 23h11 khuya cùng ngày.

Theo thông báo từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ga đón tiễn khách tại các ga: Sài Gòn, Gò Vấp, Bình Triệu, Sóng Thần và Dĩ An. Phương thức bán vé hành khách lên tàu mua vé như vé xe buýt, với giá vé bao gồm 2 loại: Giá vé hành khách suốt tuyến (với 3 ga đến trở lên) là 10.000 đồng/lượt; giá vé hành khách nửa tuyến (đến 2 ga trở xuống) là 5.000 đồng/lượt. Lưu ý giá vé đã bao gồm bảo hiểm và thuế VAT, giá vé áp dụng chung cho tất cả hành khách, riêng trẻ em dưới 6 tuổi được miễn vé.

Hành khách đi tàu mang theo hành lý, xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy sẽ được vận chuyển miễn phí. Riêng xe gắn máy chỉ nhận chở đi đến các ga Sài Gòn, Sóng Thần, Dĩ An. Việc vận chuyển xe máy thực hiện theo quy định hiện hành và tiền bốc xếp hai đầu 5.000 đồng/xe.

Trao đổi báo Hànộimới, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, hiện trên tuyến dài 19km, với 26 đường ngang dân sinh. Trong thời gian chạy tàu, ngành đường sắt sẽ phối hợp với lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến.

Hiện mỗi ngày, ngành đường sắt sẽ tổ chức 22 chuyến gồm lượt đi và về. Tại mỗi đoàn tàu có 2 toa khách với năng lực chở 128 người. Tổng cộng trung bình mỗi ngày với 22 chuyến tàu sẽ đáp ứng được 2.816 hành khách đi lại.

Liên quan đến việc gửi xe máy và xe đạp tại các ga khi khách không có nhu cầu gửi lên tàu, ông Đào Anh Tuấn cho biết, hiện ngành đường sắt mới chỉ đảm bảo cho hành khách gửi xe trực tiếp tại ga Sài Gòn, trong khi, đối với các ga còn lại trên tuyến do mới vận hành tuyến nên cơ sở vật chất tại các ga này còn nhiều hạn chế và sẽ sắp xếp chỗ gửi cũng như nâng cấp cơ sở vật chất trong thời gian chạy tuyến tàu thì điểm trên.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành và thông xe cầu Ghềnh trước ngày 30-6, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức nối thẳng tuyến xuống TP Biên Hòa (Đồng Nai). Đồng thời, nếu tổ chức thực hiện tốt thì dự định ngành đường sắt sẽ tổ chức thêm nhiều tuyến ngắn khác để phục vụ hành khách.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt người dân đi lại trên tuyến Sài Gòn – Dĩ An và ngược lại. Do đó, tuyến tàu này được mở để đáp ứng nhu cầu đi lại trên và thu hút người dân tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, ngành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các tuyến xe buýt đến các ga trên để phục vụ hành khách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Gần 4.000 vé tàu được bán ra trong dịp 30-4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.