Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Thùy Linh| 04/09/2013 06:42

(HNM) - Trong 3 năm (2011-2013), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh tăng bình quân 9,5%/năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 12%/năm GDP giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ thành phố về tình hình kinh tế - xã hội,

TP Hồ Chí Minh đang tăng tốc để đạt chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015.



Tăng trưởng hợp lý

Mức tăng GDP bình quân 9,5% trong 3 năm qua tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước thì con số này là hợp lý. Tốc độ tăng trưởng của thành phố trong 3 năm cũng gấp 1,8 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,5%/năm). Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn giai đoạn 2011-2013 bình quân tăng 10%/năm và dự kiến giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 13%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 3 năm ước đạt 624.784 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 326.033 tỷ đồng và thu xuất khẩu là 205.141 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng bình quân 17,6%/năm (nếu loại trừ yếu tố biến động giá thì tăng khoảng 8% so với cùng kỳ). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 9,8%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố cũng đúng hướng với khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất 11%/năm; công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,6%. Dù kinh tế thế giới suy thoái nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011 - 2013 của thành phố đạt 8,8%/năm, cao hơn mức tăng 8,1% của giai đoạn 2006- 2010. Kim ngạch nhập khẩu bình quân đạt 11,8%/năm, thấp hơn mức tăng 12,1% giai đoạn 2006-2010, góp phần hạn chế nhập siêu. Về phát triển doanh nghiệp, trong hai năm 2011, 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, tổng số doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới là hơn 66.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 455.000 tỷ đồng. Ước tính trong 3 năm, tổng vốn đăng ký và bổ sung là 1,08 triệu tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư. Từ năm 2011 đến nay có 1.135 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đạt 4 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký và cấp mới là 5,83 tỷ USD. Dự tính thu hút vốn nước ngoài cả năm 2013 của TP sẽ khoảng 1,29 tỷ USD. Tính đến nay, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 4.575 dự án với tổng vốn đầu tư là 32,78 tỷ USD…

Giải pháp "tăng tốc"

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố, dự báo tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 2011-2015 sẽ đạt khoảng 10% - 12%/năm, dù không đạt chỉ tiêu 12%/năm nhưng bình quân 5 năm vẫn đạt hai con số là hợp lý trong tình hình khó khăn hiện nay.

Để giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ thành phố đề ra, theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2011-2015, TP sẽ có những giải pháp quyết liệt tháo gỡ cơ chế chính sách để tạo tính đột phá trong huy động các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước. Trong những năm tới, thành phố sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 10% - 10,5% và cao hơn mức 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân chung cả nước, đưa GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt khoảng 4.800 USD.

Mặt khác, để đạt được mục tiêu này, TP cũng cho rằng cần phải tháo gỡ nhiều vấn đề. Cụ thể, trong kiến nghị với Chính phủ, về lĩnh vực ngân sách, thành phố đề nghị được điều chỉnh cơ cấu thu theo hướng giảm chỉ tiêu thu nội địa và tăng chỉ tiêu thu từ dầu thô vì trong năm 2013, chỉ tiêu thu nội địa, thu xuất khẩu tăng rất cao trong khi thu dầu thô giảm 24% so với năm 2012. Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng tham gia ổn định an sinh xã hội như các hộ kinh doanh nhà trọ, các nhà giữ trẻ đã thực hiện cam kết không tăng giá; kiến nghị các vấn đề về nghĩa vụ tài chính đất đai như tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, áp dụng một mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 2% doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản… để giảm bớt khó khăn vướng mắc trên địa bàn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.