(HNM) - Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các trường ĐH và viện nghiên cứu tổ chức nghiên cứu và phát triển một số sản phẩm công nghệ cao như: pin mặt trời, năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, thiết kế vi mạch, rôbốt công nghiệp và một số sản phẩm ứng dụng từ công nghệ sinh học.
Đáng lưu ý là trong số các chương trình nêu trên, một số đề tài đã cho kết quả khả quan. Cụ thể: Phòng thí nghiệm công nghệ nanô (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã có đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất pin mặt trời từ các tấm silic và dự kiến trong năm 2010 sẽ có sản phẩm đầu tiên. Khi làm chủ được công nghệ này sẽ giảm giá thành đầu tư xuống còn 3-4 USD/watt điện và hoàn toàn có thể phát triển năng lượng điện từ pin mặt trời, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo... Trong khi đó, các nhà khoa học ở Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đã tự thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu ăn phế thải công suất 2 tấn/ngày và hiện tại đã sản xuất thử nghiệm gần 200 tấn nhiên liệu với chất lượng tốt.
Ông Phan Minh Tân thông tin thêm: Một nhóm nhà khoa học của TP Hồ Chí Minh cũng vừa nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất dầu DO nhũ tương chứa 20% nước. Khi đem loại nhiên liệu này thử nghiệm trên một số phương tiện vận tải cho thấy tiêu hao nhiên liệu so với dầu DO là tương đương hoặc giảm 5%; khói đen giảm 80%, CO2 giảm 15%, NOx giảm 40%. Thành công của đề tài này mở ra triển vọng rất khả quan về sản xuất các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.