(HNM) - Sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố mẫu bún tươi, bánh canh, bánh phở… bán tại TP Hồ Chí Minh chứa chất độc hại tinopal, các ngành chức năng của thành phố đã vào cuộc.
Những quầy bán rong bánh ướt, bún thịt nướng ở TP Hồ Chí Minh rất đắt khách. |
Trở thành người tiêu dùng thông thái không dễ!
Bún, phở, bánh cuốn… là món ăn hằng ngày của người dân TP Hồ Chí Minh nhưng không phải ai cũng biết công nghệ sản xuất của những thực phẩm từ gạo này. Tháng 7-2013, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) thuộc Vinastas đã khảo sát các loại thực phẩm như bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn kinh doanh tại một số siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, 5/6 loại thực phẩm (khoảng 80%) có chứa chất làm trắng huỳnh quang (tinopal). 5/9 (56%) mẫu bún, 4/4 (100%) mẫu bánh ướt, 5/5 (100%) mẫu bánh hỏi, 3/4 (75%) mẫu bánh phở và 7/7 (100%) mẫu bánh canh đều chứa tinopal. Sau khi Vinastas công bố kết quả xét nghiệm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh cũng lấy mẫu thử và phát hiện 7 mẫu bún tươi lấy ngẫu nhiên tại chợ nhỏ lẻ có nhiễm chất tinopal. Thông tin trên khiến người tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hoang mang. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, số mẫu quá ít nên chỉ mang tính tham khảo, để đánh giá tình hình chung, cần phải có đợt kiểm tra, khảo sát toàn diện.
CESCON cho biết, hóa chất tinopal chỉ dùng trong sản xuất giấy, dệt vải và bột giặt. Sử dụng tinopal để làm tăng trắng bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có nguy cơ dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt, tinopal có thể làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu sử dụng thực phẩm chứa tinopal trong thời gian dài sẽ gây suy gan, suy thận, thậm chí cả bệnh ung thư. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội hóa học TP Hồ Chí Minh khẳng định, không có nước nào có báo cáo phát hiện tinopal trong bún và cũng chưa từng có nghiên cứu, bài viết khoa học nào hướng dẫn phân tích tinopal trong bún. "Để xét nghiệm và phát hiện ra chất tinopal trong bún là rất khó, kỹ thuật phức tạp và cần thiết bị hiện đại. Bởi vậy, nếu kỹ thuật làm không tốt thì có thể báo cáo "không phát hiện", nhưng thực chất vẫn có thể có tinopal trong bún" - Giáo sư Sơn cho biết thêm.
Tự cứu lấy mình…
Trước thông tin bún và bánh tươi sản xuất từ gạo nhiễm chất độc hại gây hoang mang cho người tiêu dùng, Sở Công thương và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra chất lượng mặt hàng bún, bánh phở; đồng thời yêu cầu hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết sản xuất bún an toàn, không dùng hóa chất độc hại. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, trong tháng 8, Sở sẽ phối hợp với các ngành, kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ gạo; hướng dẫn nhà sản xuất khi đưa sản phẩm ra thị trường phải có bao bì, kiểm định và đăng ký chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các siêu thị, tiểu thương thường xuyên kiểm tra, đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm đầu vào và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tới đây, Sở Công thương sẽ vận động nhà sản xuất bán hàng có hạn sử dụng và sẽ kiểm định chất lượng sản phẩm ngẫu nhiên, sau đó sẽ công bố rộng rãi danh tính các nhà sản xuất vi phạm ATVSTP. Dự kiến trước ngày 10-8, Sở Công thương sẽ công bố cơ sở sản xuất và mặt hàng có sử dụng, chứa chất tinopal.
Trong lúc chờ các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định, xét nghiệm và công bố các mẫu thực phẩm có chứa chất độc hại tinopal, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh hạn chế việc mua và sử dụng bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt. Nếu mua, có thể kiểm tra bằng cách dùng đèn cực tím (đèn soi tiền) chiếu vào; thấy các loại thực phẩm nói trên phát sáng thì chúng đã bị nhiễm tinopal, hoặc nếu thấy bún, bánh canh, bánh hỏi, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt có màu trắng bất thường thì không nên mua. Bên cạnh đó, khi mua những loại thực phẩm nói trên, nên tìm những cửa hàng bán có nguồn gốc, nhãn hiệu, thời hạn sử dụng rõ ràng... Tốt nhất hãy tự chế biến để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.