(HNMO) - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai còn tiếp tục lên trong 1 đến 2 ngày nữa. Kết hợp với lượng xả từ các hồ chứa thượng nguồn, đỉnh triều cường tại các trạm trong đợt này sẽ ở mức khá cao.
Kết hợp với lượng xả từ các hồ chứa thượng nguồn, đỉnh triều cường tại các trạm trong đợt này sẽ ở mức khá cao. Cụ thể, mực nước đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong 2 ngày 9 và 10 (nhằm ngày 16 và 17-9 Âm lịch).
Theo đó, mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,65m (cao hơn mức báo động III khoảng 0,15m). Còn tại Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) có khả năng vượt báo động III từ 0,20 đến 0,25m; tại Biên Hòa (sông Đồng Nai) lên mức xấp xỉ báo động III.
Theo dự báo, đỉnh triều cao nhất trong ngày xuất hiện vào buổi chiều từ 17 đến 19 giờ, đỉnh triều buổi sáng ở mức thấp hơn, xuất hiện từ 5 đến 7 giờ. Trong buổi sáng nay (ngày 8-10), tại TP Hồ Chí Minh, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đo được mực nước triều tại trạm Nhà Bè là 1,53m và tại trạm Phú An 1,55m.
Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh, từ 7 giờ ngày mai (ngày 9-10), Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa tiến hành xả nước qua tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng năm 2014 (đợt 3) với lưu lượng 100m3/s. Trước đó, lúc 13 giờ ngày 6-10, Công ty Thủy điện Trị An cũng tiến hành xả tràn với tổng lưu lượng xả xuống hạ du là 1.090m3/s và 7 giờ 30 ngày 7-10 là 1.150m3/s.
Trước những diễn biến phức tạp trên và để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến của đợt triều cường thượng tuần tháng 10, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND các quận, huyện, đặc biệt là quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Củ Chi và Hóc Môn chỉ đạo lực lượng quản lý đê, nhân dân tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, cơi đắp ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng vỡ bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.