(HNM) - Hiện nay, tại một số quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh, nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất. Vì vậy, việc làm cách nào để khơi thông nguồn tín dụng cho nông nghiệp đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Nhiều nông dân ở quận 9 phản ánh, khi thẩm định đất nông nghiệp tại địa phương, các cơ quan tín dụng chỉ cho vay 200 nghìn đồng/m2 trong khi giá đất thị trường là hơn 2 triệu đồng/m2. Ông Nguyễn Trọng Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đa số các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn cho vay theo hình thức tín dụng như các lĩnh vực khác. Một số phương án thẩm định và định giá tài sản thế chấp bằng đất đai thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, thủ tục cho vay lại phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro, lợi nhuận lại thấp hơn so với các ngành khác khiến nhiều nông dân không dám vay vốn, tín dụng "chảy" vào nông nghiệp càng thêm tắc.
Theo thống kê từ các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2016, số lượt vay vốn trong thời gian nêu trên là khoảng 20.000 lượt, trong đó phần lớn là đối tượng nghèo. Tuy nhiên, với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại còn thấp, TP Hồ Chí Minh phải dùng vốn từ ngân sách để hỗ trợ lãi vay. Giai đoạn 2011-2016, ngân sách thành phố đã giải ngân hơn 282 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho nông dân và doanh nghiệp. Hiện các quỹ hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn không cần tài sản thế chấp chủ yếu lấy từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP Hồ Chí Minh với tổng dư nợ hiện nay lên đến 1.719 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguồn quỹ khác như quỹ xóa đói giảm nghèo, vốn từ các đoàn thể cũng tham gia vào chương trình này. Theo các ngành chức năng, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho nông dân, cùng với nhiều dự án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dự báo sẽ tăng từ 2 đến 3 lần trong thời gian tới.
Nhằm "cởi trói" chính sách tín dụng cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần quy hoạch các nhóm ngành ưu tiên theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mỗi nhóm ngành cần nêu rõ nhu cầu về vốn, từ đó đề xuất, kiến nghị với Chính phủ các giải pháp có tính khả thi. PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, chính sách tín dụng cho nông nghiệp trong thời gian qua dù còn hạn chế nhưng đã phát huy tác dụng rất tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hạ giá thành sản xuất. Tuy vậy, để đưa nông nghiệp, nông thôn lên hiện đại hóa cần phải khơi thông chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn từ các ngân hàng thương mại.
Là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh đang rất cần nguồn vốn lớn cho lĩnh vực nông nghiệp. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp thì mấu chốt là vốn đầu tư. Với đặc thù sử dụng nhiều đất đai, theo ông Trần Ngọc Hổ, cần có những quy định để nông dân, doanh nghiệp có thể thế chấp bằng đất đai, hoặc tài sản hình thành từ vốn vay để vay ngân hàng. Việc nới lỏng chính sách tín dụng sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tăng quy mô sản xuất, chuyển dịch nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.