(HNM) - Quyết tâm giành lại hình ảnh một đất nước thân thiện giàu lòng mến khách cũng như xứng tầm với đầu tàu kinh tế của khu vực Đông Nam Á qua cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, là mong muốn lớn nhất của Chính phủ Thái Lan hiện nay.
Sự kỳ vọng vào một bước tiến mới trên chính trường Thái Lan đang được Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ưu tiên hàng đầu qua các cuộc tiếp xúc gần đây với dân chúng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
Bạo lực tại miền Nam vẫn là thách thức lớn với Chính phủ Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Diễn ra trong bối cảnh những vết thương âm ỉ trong lòng đất nước Chùa tháp chưa thực sự lành sau một loạt chia rẽ nội bộ sâu sắc, đặc biệt sau cuộc xung đột bạo lực nghiêm trọng hồi năm ngoái, khi lực lượng "áo đỏ" do Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) cầm đầu phát động biểu tình, khiến hơn 90 người thiệt mạng. Sau những biến động lớn trên cả bình diện kinh tế lẫn chính trường, cuộc bầu cử tới đây được kỳ vọng là cơ hội lớn để người dân Thái Lan có thể quyết định vận mệnh đất nước thông qua những lá phiếu. Tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã chỉ rõ, cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới, sau khi Chính phủ giải tán Hạ viện vào đầu tháng 5. Luật pháp Thái Lan quy định phải tổ chức bầu cử trong vòng 45 đến 60 ngày kể từ khi giải tán Hạ viện.
Đáng quan ngại khi thời gian cho việc giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử càng đến gần, nguy cơ bất ổn trên chính trường Thái Lan không những không giảm mà ngày càng lộ rõ. Trong khi Chính phủ đang hối thúc Thượng viện nhanh chóng thông qua 3 luật liên quan để cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra đúng kế hoạch thì những "áo đỏ", "áo vàng" lại trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định của đất nước.
Nhận định trên càng có cơ sở khi cuộc chạy đua tranh giành các ghế ở Hạ viện và Thượng viện chưa bắt đầu, các chính đảng ở Thái Lan, nhất là lực lượng Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) còn gọi là "áo vàng" và phe "áo đỏ" đã có những hoạt động khá quyết liệt, kể cả cáo buộc nhau về tội "khi quân" - xúc phạm đến danh dự Nhà vua - nhằm tranh giành sự ủng hộ của cử tri. Việc người đứng đầu Cơ quan Điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) Tarit Pengdith vừa ký lệnh triệu tập 18 thủ lĩnh "áo đỏ", trong đó có người đứng đầu Thida Thavornseth, vì cáo buộc liên quan đến tội kích động nổi loạn, lăng mạ chế độ quân chủ có thể sẽ là cái cớ để lực lượng này tiếp tục phát động biểu tình đường phố.
Nhằm duy trì hòa bình và trật tự an ninh một cách hiệu quả trước ngày tổng tuyển cử đã buộc Nội các Thái Lan ngày 20-4 phải gia hạn Luật An ninh nội địa (ISA) lần thứ 3 liên tiếp - ISA được áp đặt lần đầu tiên trong thời gian từ ngày 9 đến 23-2 tại 7 quận ở thủ đô Bangkok thêm 30 ngày (đến hết 24-5) theo đề xuất của Trung tâm Giám sát hòa bình và trật tự (CAPO). Cùng với gia hạn Luật Tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng tại hầu hết khu vực miền Nam do bạo lực gia tăng, luật này lần đầu tiên được áp đặt vào năm 2005 của Chính phủ Thái Lan (ngày 12-4), sự kiện ISA được gia hạn tại 7 quận trung tâm ở thủ đô Bangkok càng khiến dư luận quan ngại về một cuộc tổng tuyển cử khó diễn ra trong trật tự, nhất là khi cánh "áo đỏ" chưa từ bỏ tham vọng lật đổ chính phủ bằng những cuộc biểu tình đường phố.
Tin tưởng rằng tổng tuyển cử sẽ là chìa khóa giúp Thái Lan giải quyết được những thách thức đang phải đối mặt, nhất là tăng cường niềm tin của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Abhisit một lần nữa khẳng định, bất cứ sự phản đối nào về kết quả bầu cử đều phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp. Thẳng thắn thừa nhận những bất ổn trên chính trường nhiều năm qua đã làm thiệt hại không nhỏ cho hình ảnh đất nước, Thủ tướng Abhisit nhấn mạnh, những cải cách dân chủ được chính phủ tiến hành thời gian qua đã khắc phục được nhiều thiếu sót trầm trọng trong quá khứ. Thủ tướng Abhisit cho rằng, biểu tình đường phố là một phần trong bức tranh chính trị ở Thái Lan, nhưng sẽ kiên quyết không để các cuộc biểu tình ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Chính trường Thái Lan đang đứng trước thử thách quan trọng trên con đường hình thành một chính phủ mới. Mục tiêu quan trọng này có trở thành hiện thực thông qua tổng tuyển cử hay không, vẫn là câu hỏi lớn được dư luận Thái Lan hết sức quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.