Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng tuyển cử tại Philippines: Kỳ vọng đổi thay

Đình Hiệp| 11/05/2010 06:26

(HNM) - Hôm qua (10-5), gần 50 triệu cử tri Philippines đã đi bỏ phiếu bầu chọn tân tổng thống, một phó tổng thống cùng 12 thượng nghị sỹ, 287 hạ nghị sỹ và khoảng 17.000 quan chức địa phương, trong tình trạng an ninh được thắt chặt. Cuộc tổng tuyển cử được người dân Philippines kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn ở quốc gia Đông Nam Á hơn 90 triệu dân này.

Kết quả mới nhất được công bố cuối ngày 10-5 cho thấy, chiến thắng đang trong tầm tay của Thượng nghị sĩ đảng Tự do Benigno Aquino, con trai của cố Tổng thống Corazon Aquino với 40,44% phiếu bầu. Theo luật pháp Philippines, ứng cử viên nào nhận được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử tổng thống.

Cử tri Philippines đi bầu cử ở thủ đô Manila ngày 10-5.

Với chủ đề chính là "chống tham nhũng và xóa đói nghèo", cuộc tổng tuyển cử ở Philippines là cuộc đua không cân sức giữa 8 ứng cử viên, trong đó nổi lên 3 ứng cử viên sáng giá, gồm Thượng nghị sĩ đảng Tự do Benigno Aquino, cựu Tổng thống Joseph Estrada và ông Manny Villar. Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán, bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy, Thượng nghị sĩ Benigno Aquino là người có nhiều nhất khả năng giành cương vị đứng đầu Nhà nước Philippines, với tỷ lệ ủng hộ là 42%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai ứng cử viên còn lại là J.Estrada và M.Villar lần lượt là 20% và 19%.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, lần đầu tiên Philippines sử dụng hệ thống kiểm phiếu tự động. Với hơn 82.000 máy kiểm phiếu tự động trên cả nước, Philippines hy vọng đẩy nhanh tiến trình bầu cử và hạn chế tối đa gian lận. Song, trước khi diễn ra bầu cử, một số lỗi kỹ thuật trong cấu hình thẻ nhớ đã được phát hiện tại hơn 76.000 máy, khi chúng không đọc được các phiếu bầu và không in được các kết quả bầu cử một cách chính xác. Trong ngày bầu cử, Ủy ban Bầu cử Philippines (Comelec) đã phải kéo dài thời gian bỏ phiếu muộn một giờ so với dự kiến - đến 19 giờ cùng ngày do xuất hiện một số "trục trặc" liên quan đến hệ thống máy phục vụ bầu cử.

Một điểm gây chú ý của dư luận thế giới trong cuộc tổng tuyển cử lần này ở Philippines, đó là cuộc đua vào Hạ viện của đương kim Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30-6 tới. Theo Hiến pháp Philippines, bà Arroyo không được phép tranh cử nhiệm kỳ hai nhưng bà đã trở thành Tổng thống đầu tiên tranh ghế trong Hạ viện. Tổng thống G.M.Arroyo được xem là ứng cử viên sáng giá cho chức Chủ tịch Hạ viện, song nhiều chuyên gia phân tích và các đối thủ của bà cho rằng, bà muốn nắm ghế Chủ tịch Hạ viện để ngăn cản những cuộc điều tra liên quan tới thời kỳ bà làm Tổng thống; hoặc thậm chí thúc đẩy một cuộc cải cách chính phủ giúp bà trở thành Thủ tướng.

Chính phủ Philippines đã triển khai hơn 120.000 binh sĩ quân đội và lực lượng cảnh sát để bảo đảm an ninh cho cuộc tổng tuyển cử. Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cũng được đặt trong tình trạng "báo động đỏ" - mức báo động an ninh cao nhất, bắt đầu từ ngày 30-4 và được duy trì cho tới ngày 20-5 - song điều khiến dư luận lo ngại nhất đã xảy ra khi hàng loạt vụ nổ bùng phát trong ngày bầu cử khiến 4 người thiệt mạng, 10 người bị thương. Tồi tệ hơn, một số khu vực tại Mindanao và Visayas ở miền Nam đã không thể tiến hành bầu cử do tình trạng bạo lực. Thực trạng này một lần nữa cho thấy, việc bảo đảm an ninh cho người dân Philippines vẫn là bài toán khó với nhà lãnh đạo mới của quốc đảo này.

Với sự thay đổi lớn từ bộ máy lãnh đạo quốc gia đến các quan chức địa phương, cuộc tổng tuyển cử được cử tri Philippines trông đợi sẽ đem lại luồng gió mới, góp phần thay đổi bộ mặt của quốc gia Đông Nam Á vốn đang trì trệ cả về kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của nhà lãnh đạo mới là hết sức nặng nề khi vấn nạn tham nhũng, tình trạng bạo lực, sự trỗi dậy chủ nghĩa khủng bố... đang diễn ra khá phức tạp tại quốc đảo này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tuyển cử tại Philippines: Kỳ vọng đổi thay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.