(HNM) - Ngày 26-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Đây là một nỗ lực trong các hoạt động ngoại giao con thoi của
Tổng thống Pháp F.Hollande (trái) và người đồng cấp Nga V.Putin hội đàm tại Điện Kremlin. |
Việc Tổng thống F.Hollande tìm kiếm sự hậu thuẫn của nước Nga trong cuộc đối đầu với IS là một động thái có thể làm "hạ nhiệt" mối quan hệ căng thẳng giữa Mátxcơva với phương Tây kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát (cuối năm 2013). Thời điểm hiện tại, khi người dân Nga phải hứng chịu những mất mát không thể bù đắp sau vụ đánh bom khủng bố trên máy bay chở khách từ Ai Cập về Saint Petersburg và người dân Pháp, cũng như Châu Âu chưa hết bàng hoàng về những gì vừa xảy ra tại Paris, Điện Kremlin và Điện Elysée có chung mục tiêu: Đẩy nhanh các chiến dịch tiêu diệt mạng lưới IS. Điều này được thể hiện rõ trong phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm. Hai vị tổng thống khẳng định, cùng tăng cường hoạt động chống khủng bố, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác giữa các chuyên gia quân sự để hoạt động chống khủng bố của hai nước đạt được hiệu quả cao nhất.
Thực tế cho thấy, cuộc chiến chống IS đã chính thức bắt đầu vào tháng 9-2014, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "siết chặt vòng vây nhằm tiêu diệt tổ chức thánh chiến đang chiếm giữ vùng đất trải rộng từ miền Bắc Iraq, gồm các khu vực nằm trong thung lũng sông Tigris và Euphrates cho đến thành phố Aleppo ở phía Tây Bắc nước này và một phần lãnh thổ Syria. Thế nhưng, hơn một năm sau, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chỉ có được kết quả rất hạn chế. Đáng nói hơn, mặc dù bị Mỹ và liên minh không kích dữ dội, nhưng IS không những không yếu đi, mà dường như đang tiếp tục mạnh lên. Vụ khủng bố vào máy bay Nga và ở Paris - thủ đô nước Pháp trong nửa tháng qua cho thấy, IS đang ngày càng nguy hiểm và thể hiện rõ ý đồ mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới.
Thành lập một liên minh chống IS đang là yêu cầu cấp bách cho toàn thế giới. Tuy nhiên, những nỗ lực của Tổng thống Pháp được cho là khó thành hiện thực khi quan điểm của Nga và các nước phương Tây vẫn còn nhiều khác biệt, nhất là cách thức giải quyết cuộc nội chiến tại Syria - một trong những vùng đất IS chọn làm thành trì. Ngay trong cuộc hội đàm tại Mátxcơva liên quan tới vấn đề này, bất đồng đã thể hiện rõ trong quan điểm của Tổng thống V.Putin và người đồng nhiệm Pháp F.Hollande. Nga cho rằng, ưu tiên hiện nay ở Syria là chống tổ chức khủng bố IS chứ không phải tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad và khẳng định nhà lãnh đạo Syria là người đại diện hợp pháp cho những lợi ích của người dân Syria. Trong khi đó, Pháp và đồng minh luôn cho rằng, ông B.Assad phải ra đi mới kết thúc được cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Bên cạnh đó, hiềm khích mâu thuẫn giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa tìm được lối thoát. Mới đây, trong một thông cáo đăng trên trang web của Nhà Trắng, Người phát ngôn Josh Earnest khẳng định chưa nhìn thấy triển vọng nào về kịch bản Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga để đổi lại sự hợp tác chống IS. Trong khi đó, Mátxcơva hiện vẫn nghi ngờ Mỹ đứng đằng sau hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay cường kích Su-24 của Nga tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-11.
Nói cách khác, cuộc cạnh tranh lợi ích giữa Nga và phương Tây tại Trung Đông và một số khu vực trên thế giới đang diễn ra rất khốc liệt. Trong bối cảnh đó, một liên minh quân sự toàn diện trên mặt trận chống IS rất khó có thể trở thành hiện thực. Và nếu có tập hợp được thì đó cũng sẽ là một cuộc "hôn nhân đồng sàng dị mộng". Cú "đâm sau lưng" nước Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là một minh chứng cho điều đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.