(HNM) - Hôm nay (16-3), Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kết thúc chuyến thăm chính thức 3 ngày Liên bang Nga. Đây là lần thứ 10 nhà lãnh đạo Palestine thăm Mátxcơva, nhưng là lần đầu tiên với tư cách Tổng thống Nhà nước Palestine sau ngày 29-11-2012, khi Palestine được hưởng quy chế quốc gia quan sát viên tại Liên hợp quốc (LHQ).
Các hoạt động chính của Tổng thống M.Abbas tại Mátxcơva bắt đầu ngày 14-3 bằng cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Ngoài những vấn đề liên quan thúc đẩy quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo còn trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề của khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là tình hình Trung Đông - Bắc Phi và triển vọng nối lại đàm phán Palestine - Israel nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Gaza.
Tổng thống Nga V.Putin (phải) và Tổng thống Palestine M.Abbas tại Mátxcơva. |
Chuyến thăm của Tổng thống M.Abbas diễn ra giữa lúc nhiều khó khăn và thách thức đang tiếp tục được đặt ra cho Chính phủ và người dân Palestine. Hiện Israel vẫn chiếm đóng khu Bờ Tây dải Gaza và nắm quyền kiểm soát trao đổi hàng hóa lẫn việc đi lại của người dân Palestine. Tel Avip cũng sáp nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ của Nhà nước Do Thái; đồng thời xây thêm 3.000 ngôi nhà ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây. Ngoài ra, kể từ sau sự kiện Palestine được nâng cấp lên nhà nước quan sát viên phi thành viên của LHQ, chính quyền Israel tuyên bố áp đặt những biện pháp kinh tế hà khắc hơn chống Palestine; trong đó có việc tăng cường phong tỏa tài chính. Quốc hội Mỹ cũng đang phong tỏa khoản tiền 200 triệu USD viện trợ phát triển cho Palestine. Các chính sách thắt chặt hơn của Israel và Mỹ đang đẩy các vùng lãnh thổ của người Palestine lún sâu vào nghèo khó. Nền kinh tế của Palestine đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu rộng. Thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài lên tới trên 1 tỷ USD, tương đương 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Cho dù các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine được khởi động từ năm 1991, nhưng đến nay, đã 22 năm trôi qua, cơ hội thông qua một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên vẫn rất mờ nhạt và chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vòng đàm phán sẽ sớm được nối lại. Nhất là khi chính quyền của Tổng thống Palestine M.Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều cứng rắn với lập trường của riêng mình trong tiến trình đàm phán hòa bình. Tổng thống M.Abbas tuyên bố, chính quyền Palestine sẽ chỉ trở lại các vòng đàm phán với điều kiện Israel ra quyết định "đóng băng" hoạt động xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây. Trong khi đó, Thủ tướng B.Netanyahu lại thẳng thừng bác bỏ điều kiện tiên quyết của ông M.Abbas với lập luận "Israel tạm ngừng kế hoạch xây dựng các khu tái định cư chỉ là chuyện quá khứ và được thực hiện dựa trên yêu cầu của Mỹ như là biện pháp giúp xây dựng lòng tin". Mới đây, Thủ tướng Israel B.Netanyahu còn tái khẳng định, bất chấp nội dung bản hiệp định hòa bình có thể trong tương lai với người Palestine như thế nào chăng nữa, Đông Jerusalem của người Arab vẫn tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Israel và Palestine phải để Israel kiểm soát thực sự các đường biên giới và Palestine phải công nhận "Nhà nước Do Thái" của Israel.
Trong bối cảnh như vậy, tăng cường quan hệ với Mátxcơva - một đối tác có lịch sử hợp tác truyền thống từ thời chiến tranh lạnh - sẽ góp phần giảm nhẹ những khó khăn về kinh tế mà Palestine đang phải đối mặt. Ngoài ra, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiếng nói của Nga sẽ là điểm tựa quan trọng của Palestine trong quá trình tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để củng cố vị thế Palestine trong tiến trình đàm phán hòa bình với Israel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.