Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thống Nga thăm Iran: Hợp lực phá vây hãm

Phương Quỳnh| 25/11/2015 06:22

(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Iran (ngày 23-11). Chuyến công du 24h này diễn ra vào thời điểm Mátxcơva đang tìm cách gia tăng các quan hệ kinh tế với Tehran.

Thực tế những năm qua, Nga và Iran chưa bao giờ ngưng quan hệ. Tuy nhiên, sau khi Nga ủng hộ Nghị quyết 1737 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vào cuối năm 2006 nhằm trừng phạt Iran trước việc Tehran không chịu từ bỏ hoạt động làm giàu uranium, quan hệ đồng minh Mátxcơva - Tehran có lúc không tránh khỏi ngờ vực. Cũng vì bản nghị quyết nói trên cùng nhiều lệnh trừng phạt bổ sung sau này, Nga đã phải đình chỉ hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S300 cho Iran. Hai bên chỉ thực sự "làm ấm" lại mối quan hệ sau khi Tehran đạt được thỏa thuận lịch sử về hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) hồi tháng 7 vừa qua.

Tổng thống Nga V.Putin (trái) gặp lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran A.Khamenei ngày 23-11.



Trong khuôn khổ chuyến thăm Iran lần đầu tiên kể từ năm 2007, Tổng thống V.Putin lần lượt hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Hassan Rohani và lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei với trọng tâm là cuộc khủng hoảng Syria và các thỏa thuận kinh tế. Trong đó, đặc biệt là các hợp đồng mua bán vũ khí.

Hiện tại, mục tiêu ưu tiên của liên minh Nga - Iran là duy trì vai trò của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, một đồng minh Trung Đông trong cộng đồng Hồi giáo bản địa do Iran dẫn đầu. Cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Syria được cho là đang hỗ trợ đắc lực cho các chiến dịch trên bộ của các lực lượng Iran, Syria và cả Hezbollah nhằm thu hẹp hoạt động cũng như "lãnh thổ" của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều này xuất phát từ thực tế là các cuộc không kích dù có sử dụng vũ khí chính xác đến đâu và với cường độ mạnh thế nào cũng không thể giành được thắng lợi quyết định nếu thiếu bộ binh. Do vậy, khi các chiến đấu cơ Nga bắt đầu không kích (ngày 30-9), các cuộc tấn công trên bộ nhằm vào IS cũng đã được các lực lượng Syria, Iran khởi động. Để hỗ trợ trên thực địa, Nga đã điều lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ tới Syria nhằm nhổ tận gốc các phần tử IS.

Sau 2 tháng chính thức tham gia không kích IS tại Syria, không thể phủ nhận Nga đang có những lợi thế mà Mỹ và đồng minh không có được. Với những máy bay tiêm kích và cường kích được trang bị tên lửa tấn công có sức hủy diệt lớn, độ chính xác cao, hệ thống tác chiến điện tử và tên lửa hành trình... nhằm vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Syria, Mátxcơva đang trình diễn cuộc "tập trận" trên không lớn nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới lần thứ II. Trong khi đó, Iran lại có ưu thế vượt trội trên thực địa. Sự kết hợp hoàn hảo này đã tạo sức mạnh cho liên minh Nga - Iran. Từ đó tạo ra những kịch bản mà các "đối thủ" của Mátxcơva và Tehran không thể từ chối nếu muốn giải quyết vấn đề chính trị ở Damacus và rộng hơn là bàn cờ địa - chính trị Trung Đông.

Không chỉ trên chiến trường, liên minh Nga - Iran còn là bộ đôi về trao đổi vũ khí. Trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận và giá dầu giảm thì một thị trường lý tưởng cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ giúp Mátxcơva giải quyết phần nào bài toán kinh tế. Với những tính toán chiến lược, Tổng thống V.Putin đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới Trung Đông với mục đích tăng cường lợi ích kinh tế và đối phó với những đe dọa an ninh quốc gia. Đánh dấu sự trở lại sau một thập kỷ vắng bóng trên thị trường vũ khí Trung Đông là những hợp đồng bán máy bay, hệ thống tên lửa trị giá hàng chục tỷ USD cho Ai Cập, Algeria, Iraq và tất nhiên là cả Iran. Theo tính toán, Mátxcơva có thể thu về 13 tỷ USD từ việc bán vũ khí sau khi Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Tehran.

Chuyến công du chớp nhoáng nhưng không bất ngờ của Tổng thống V.Putin tới Iran cho thấy, Nga và Iran sẽ tiếp tục chia sẻ những lợi ích chiến lược tại Trung Đông với ưu tiên là: Cả hai sẽ hợp lực để phá vỡ cuộc vây hãm, kiềm tỏa mà Mỹ và phương Tây đang tung ra với Mátxcơva và Tehran.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Nga thăm Iran: Hợp lực phá vây hãm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.