Trong cuộc đua tới giải Nobel hòa bình năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được đề cử cho giải thưởng uy tín này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Tổng cộng, cuộc đua tới danh hiệu Nobel hòa bình năm nay có tới 278 ứng viên, cao nhất từ trước đến nay.
“Số lượng ứng viên tăng lên hầu như hàng năm, cho thấy sức hút của giải thưởng này ngày một lớn”, Geir Lundestad, người đứng đầu Viện Nobel khẳng định với hãng tin AFP.
Trong ngày hôm qua (4/3), Ủy ban trao giải Nobel đã tổ chức họp lần đầu tiên trong năm để rà soát danh sách các ứng viên và sẽ công bố người chiến thắng vào ngày 10/10 tới tại Oslo.
Như thường lệ, Ủy ban trên từ chối tiết lộ danh tính của bất kỳ ứng viên nào, nhưng Lundestad cho biết 47 trong số 278 ứng viên là các tổ chức.
Mặc dù bản danh sách được giữ bí mật trong vòng ít nhất 50 năm, những người bảo trợ có thể tiết lộ danh tính người được họ đề cử.
Tổng thống Nga Putin có tên trong danh sách này bởi ông được các nhân vật có uy tín tại Nga đề cử hồi tháng 10 năm ngoái, do có vai trò trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại Syria.
Ông Putin, một cựu sỹ quan tình báo KGB, được ghi nhận vì đã khiến Mỹ ngừng kế hoạch tấn công Syria bằng cách đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của chính quyền Bashar al-Assad dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Việc được đề cử cho giải Nobel hòa bình là tương đối dễ dàng, bởi hàng nghìn người, bao gồm các nghị sỹ, các Bộ trưởng, giáo sư các trường đại học hoặc những người từng đoạt giải có thể thực hiện đề cử.
Tại phiên họp đầu tiên, 5 thành viên của Ủy ban Nobel cũng có thể tự bổ sung tên ứng viên vào danh sách.
Cùng được đề cử trong danh sách còn có cựu điệp viên CIA Edward Snowden, người đã rò rỉ một lượng khổng lồ các tài liệu nhảy cảm, cho thấy chính phủ Mỹ và các đồng minh thực hiện nhiều chiến dịch nghe lén. Theo tờ Guardian của Anh, Snowden được hai chính trị gia của Na-uy đề cử.
Tương tự như cựu điệp viên trên, nữ sinh trung học 16 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai đã được hai nghị sỹ của Na-uy là Magne Rommetveit và Freddy de Ruiter đề cử.
Malala trở nên nổi tiếng khi bất chấp sự đe dọa và cả ám sát hụt của lực lượng khủng bố Taliban, vẫn nỗ lực vận động vì cơ hội giáo dục tốt hơn cho người dân nước mình. Hiện em đang sống tại Anh và tiếp tục hoạt động vì nhân quyền thông qua Quỹ Malala do mình sáng lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.