(HNM) - Với mục đích làm mới quan hệ đồng minh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân vừa thực hiện chuyến thăm Anh trong 3 ngày (từ 3 đến 5-6).
Tổng thống Mỹ D.Trump và Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong bữa tiệc Hoàng gia tại London. |
Đây là lần thứ hai ông D.Trump thăm Anh trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ nhưng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo này thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II. Lịch trình hoạt động trong 3 ngày của Tổng thống D.Trump chật kín các cuộc gặp gỡ cấp cao như tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II, gặp Thái tử xứ Wales Charles và dự quốc yến tại Cung điện Buckingham, hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, dự lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandie tại thành phố Portsmouth.
Mặc dù lãnh đạo Anh và Mỹ đều nhấn mạnh cơ hội tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhưng ngay trước chuyến thăm những khác biệt đã bộc lộ. Trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ The Sun (Anh), Tổng thống D.Trump cho rằng, Anh có thể sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nếu vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit hiện nay.
Điều kiện để Washington ký kết một văn bản như vậy phải bao gồm các sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen, thịt bò bổ sung hormone tăng trưởng và thịt gà rửa bằng clo - những sản phẩm bị cấm ở châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Anh T.May lại muốn tuân thủ các quy định của EU về sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh việc không đồng tình với cách thức tiến hành Brexit của London, Tổng thống D.Trump còn đi xa hơn khi nhận xét cựu Ngoại trưởng Anh vừa từ chức Boris Johnson có thể là một nhà lãnh đạo giỏi nếu ngồi vào chiếc ghế của Thủ tướng T.May.
Những phát ngôn của lãnh đạo Mỹ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về hiệu quả của những nỗ lực mà bà T.May đang theo đuổi nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương sau khi Anh rời EU.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ và Anh không chỉ hợp tác chặt chẽ về chính trị và kinh tế mà đan xen trong tất cả các lĩnh vực và ở mọi cấp độ. Hai nước cũng là những nhà đầu tư lớn nhất của nhau và kim ngạch thương mại đạt con số 160 tỷ bảng mỗi năm (khoảng 210 tỷ USD)...
Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây một số dấu hiệu rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện và đến thời Tổng thống D.Trump, khoảng cách mới trở nên rõ ràng. Với phương châm “Nước Mỹ trên hết”, Nhà Trắng đòi hỏi nhiều hơn ở các đồng minh. Điều này dẫn đến những bất đồng trong hàng loạt vấn đề như thương mại, hạt nhân Iran, hòa bình cho Israel và Palestine...
Một vấn đề khác mà hai bên cũng khó tìm được tiếng nói chung là biến đổi khí hậu. Ngay trong ngày đầu chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ, Người phát ngôn Chính phủ Anh đã khẳng định London thất vọng trước quyết định của Washington rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, khi sự chỉ trích của cả châu Âu đã không làm ông D.Trump nản lòng thì thái độ cứng rắn của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Anh hay vài nghìn người biểu tình bên ngoài điện Buckingham có lẽ không phải là mối bận tâm lớn đối với ông chủ Nhà Trắng.
Điều đáng nói, cho dù muốn xốc lại mối quan hệ đồng minh, chuyến thăm của Tổng thống D.Trump lại diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng T.May từ chức vì bất lực với vai trò chèo lái nước Anh rời EU. Tình thế đó khiến cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo có những hạn chế nhất định. Vì thế, nếu hai nước muốn tìm lại mối “quan hệ đặc biệt” như vốn có, vẫn cần phải chờ đến khi nước Anh có lãnh đạo mới và tiến trình Brexit được định đoạt rõ ràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.